Đến Bình Thuận, du khách khó có thể bỏ qua một điểm du lịch hấp dẫn với vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn và tâm linh. Đó là tháp Po Sah Inư (Poshanư) hay còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài.
Tháp Po Sah Inư là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng đông-bắc.
Nhóm đền tháp Po Sah Inư được xây dựng cách đây hơn 1.200 năm đến nay chỉ còn 3 tháp chính, vừa, nhỏ, hay còn gọi là Tháp A, tháp B, Tháp C. Tháp hình vuông, ba tầng, càng lên phía trên càng nhỏ lại, các trụ áp tường của tháp đều là hình trụ thuộc phong cách nghệ thuật với nhóm tháp Hòa Lai. Tất cả các cửa chính của cụm tháp đều quay về hướng Đông, theo quan niệm của người Chăm là hướng của thần linh.
Chính giữ tháp A có bệ thờ Linga – Yoni bằng đá trơn, biểu tượng của cơ quan sinh dục Nam – Nữ, vật linh thiêng nhất của người Chăm thể hiện khát vọng sinh sôi và phát triển của dân tộc. Tương truyền tháp C là nơi thờ thần lửa và cũng là nơi ngồi đợi trước khi vào làm lễ ở tháp chính, tháp B thờ Bò Thần Nandin nhưng nay tượng Bò thần không còn.
Tháp từng là biểu tượng thời cực thịnh của vương quốc Chăm từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IX. Ở đây là nơi thờ thần Shiva, sau đó thờ thêm công chúa Po Sha Inư. Ngoài ra, thần lửa và bò thần Nandin cũng được thờ tại tháp.
Đến với tháp Po Sah Inư, du khách có thể cảm nhận được kiến trúc tháp độc đáo, tinh tế của các cụm tháp. Điêu khắc theo cách trang trí đặc trưng của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Tháp tọa lạc trên đồi Bà Nài, đỉnh cao nhất là lầu Ông Hoàng được nhiều người biết đến qua thi ca Hàn Mặc Tử.
Từ trên cao nhìn xuống xung quanh ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên. Phía trước là biển xanh, phía sau hướng về thành phố Phan Thiết. Khách du lịch khi đặt chân đến sẽ thấy thư thái bởi tháp nằm trên vùng có địa thế đẹp, có cơ hội khám phá vùng đất tâm linh và thưởng thức cảnh đẹp hữu tình.
Di tích nằm trên đường từ Phan Thiết ra Mũi Né, nên rất thuận tiện để du khách ghé tham quan. Khu vực này vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ vốn có của nó từ bao đời nay, dù cách thành phố khoảng 7 km. Ban quản lý khu du lịch chỉ đầu tư xây dựng những bậc thang để lên đồi và sân bãi đậu xe. Riêng khu vực tháp và lầu Ông Hoàng đều giữ lại nét hoang sơ, thơ mộng. Những đêm trăng sáng, đứng ở Đồi Dương trung tâm thành phố vẫn thấy rõ ngôi tháp thờ thần Shiva và lầu Ông Hoàng trên đỉnh đồi. Ban ngày, hai công trình này có thể nhìn thấy ở khoảng cách 10-15 km.
Hiện nay, tháp Po Sah Inư được công nhận là di tích cấp quốc gia và là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách thăm quan bởi vẻ đẹp nguyên thủy, thêm phần linh thiêng. Tại đây, còn giữ lại các di tích thờ cúng của người Chăm xưa.
Vào các dịp lễ lớn của đất nước, các nghệ nhân người Chăm đến đây tổ chức múa hát, phục vụ du khách. Tiếng trống Ba-ra-nưng, tiếng kèn Sa-ra-nai của những K’lu (con trai) rộn ràng bên những điệu múa uyển chuyển của những Kamei Tàrà (con gái).
Vào khoảng tháng 10 dương lịch, người Chăm từ khắp plêy (làng) trong tỉnh về đây dự lễ Ka-tê để cúng bái thần linh, tổ tiên, cầu mưa thuận gió hòa. Công chúa Pô Sah Inư được xem như một vị thần linh của xứ sở Pajai như Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Lễ hội Ka-tê diễn ra theo truyền thống, có thầy cúng với nhiều lễ tắm tượng Linga-Yoni và rước kiệu thỉnh sắc, dâng y phục cho công chúa Pô Sah Inư.
Theo Sam (Zing New)
Du lịch, GO!
Monday, October 5, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment