(Tiếp theo) - Sáng hôm sau tôi dậy sớm, tiếp tục đi. Lại một thân, một mình men theo con suối Nậm Ma. Ngày ở đây chỉ nắng dăm tiếng ban trưa, thời gian còn lại ngập chìm trong sương mù đặc quánh. Người Hà Nhì đi nương, đi săn chỉ có đôi chân trần, đi từ bản nọ đến bản kia mới dùng đến dép.
Tôi cứ theo dấu dép hằn trên đất đồi, rêu đá, trên tầng lá mục đầy muỗi, vắt mà đi. Sau những góc núi khuất, chim rừng giật mình đập cánh bay từng đàn lớn. Rừng không bao giờ yên tĩnh bởi gió, cành khô rơi, nước chảy và những tiếng sột soạt kéo dài vô tận. Lại có những lối mòn yên tĩnh đến lạnh sống lưng khiến người đi phải khua gậy vào thân cây ven đường cho bớt sợ.
Si Nế đang hoan hỉ đón sự trở về sau 35 năm xa bản nhỏ của thầy giáo Anh hùng Nguyễn Văn Bôn – huyền thoại của một thời hoá giải lời nguyền “người Hà Nhì lội qua suối bị lừa ăn mất chữ”. Bây giờ dăm ngày người Si Nế mới gặp một dấu chân trâu rừng bên suối, một cây dổi bị gấu bẻ cụt ngọn, chứ thuở thầy Bôn mới đặt chân đến đất này, hươu nai đi thành từng đàn lớn, rừng không có đường mòn, ruồi vàng, bọ chó nhiều vô kể.
Ngày ấy người Hà Nhì ở Si Nế không một ai biết tiếng phổ thông, đói bẻ ngọn sậy non mà ăn, rét lấy tro khô trong bếp rắc lên chân cho đỡ lạnh. Năm 1959, theo tiếng gọi của Đảng, thầy Bôn cùng vài người bạn lặn lội lên đây, ngày đó mới 21 tuổi. Nhờ một người bản xứ công tác dưới huyện Mường Tè làm phiên dịch, suốt hai tháng trời, thầy Bôn qua lại bảy bản ở Mù Cả, vận động tất cả trẻ con 8-12 tuổi về học tập trung, được tổng cộng 40 em cả trai lẫn gái, ghẻ đầy mình, chấy đầy đầu, khi đến mang theo... 40 bàn đèn thuốc phiện bằng đồng cổ. Thầy Bôn nhờ dân chặt tre làm trường, làm ký túc xá dân lập đầu tiên trong cả nước ở rẻo cao.
Dầu không có, bút không có, thầy dạy trò cầm que viết lên không cho quen cổ tay, rồi viết xuống đất, viết lên lá chuối, ngày dạy học chữ, tối nhảy múa. Biết chữ rồi, người có trình độ già lớp 1, non lớp 2, lại quay về bản dạy cho dân mình. Thế mà cuối cùng có được tới gần 200 học sinh tất cả, nhiều người sau này về tỉnh nên danh phận. Những cái tên như Lý Khai Phà, Lý Phi Chờ, Lý Xé Hừ, Lý Pờ Sơ... là niềm tự hào của tất cả mọi cư dân ở ngã ba biên giới.
Nghe tin thầy về thăm đất cũ, có những người đàn ông bạc đầu chắp tay lạy thầy rồi sụp xuống khóc. Thầy rời bản Mù Cả về đây, bà con còn đi sau tiễn tới nửa ngày đường, kêu qua thung lũng “Ơ, thầy giáo ơi”. Tôi ngồi ghi câu chuyện cũ của người thầy giáo già trong bóng đèn dầu tù mù, ngẩng đầu lên đã thấy bà con đến xem ngồi chật nếp nhà gianh...
Gần nửa đêm, bà con kéo nhau ra một sườn đồi khá rộng hát, xoè. Con gái mặc áo thí mo, mũ uxo, váy dài tự khâu bằng vỏ chăn con công múa suốt đêm không biết mệt - đây là điệu Là le mi só le, kia là điệu Lá lá so phà... Con trai đệm đàn nà khơ, nhị xí gó, làm bằng hộp xà phòng và dây câu cá, thổi sáo mế đu, khoét từ thân cây đót vẫn làm chổi quét nhà trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng lép bép của lửa đêm. Ai cũng phải hát, phải xoè. Giữa đêm, mọi người kéo nhau về nhà trưởng bản, cơm gạo nương đỏ đựng vào xô, rượu uống bằng bát, rau thơm hái trên núi về để cả rễ chấm lụ khạ pá xì vừa chát vừa cay, không say không đứng dậy. Uống xong là mổ lợn treo đuôi lên xà nhà xẻo thịt ăn dần, và lại giã gạo, nhảy múa, gõ trống cho đến sáng.
Đêm ấy, trong tiếng sáo bố lố của Pờ Phí Chừ, một người đàn ông bị gấu vồ rách mặt thổi ru thầy, Lương Đức Cường, lính biên phòng đồn 315 về gác cho dân, ôm tôi ngủ chung cho đỡ lạnh. Cường quê Hải Dương, mới ốm dậy từ một trận sốt rét không có thuốc tiêm, tưởng chết. Cường nhập ngũ cách đây 2 năm, bạn bè đưa ra bến xe biết đi Lai Châu đều khóc. Thế mà người lính ấy, trong câu chuyện xa quê, đã kể rằng, Tết miền xuôi năm nay không về dù đã được ra quân. Chưa chia tay mà đã nhớ thượng nguồn, thác ghềnh, sương gió và đá núi, nhớ những chủ nhân của ngã ba biên giới.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm, ăn dăm miếng bánh cha le, giống như bánh bột lọc dưới xuôi, chấm mật mía cho đúng lệ đồng bào rồi tiếp tục cuộc hành trình đã định của mình.
Tôi đến bản Mù Cả khi trời vừa sụp tối. Người Mù Cả cũng hiếu khách như bất kỳ ở bản Hà Nhì nào khác – nhà dù đói rách đến đâu cũng có riêng một giường cho khách qua đường nghỉ lại. Khách đến bản vào nhà nào cũng được, có thể để ba lô ở nhà này, lại ăn cơm ở nhà kia. Tôi nghỉ nhà Toán Ma Tơ. Trong khi tôi vừa ngâm chân bằng nước nóng hoà muối và cao Sao Vàng vừa hỏi chủ nhà đủ thứ chuyện, thì vợ anh ngồi cặm cụi hong quần áo, giầy ướt cho khách trên bếp lửa.
Ngày hôm sau sẽ rất mệt mỏi trên con đường chừng 30 cây số mà dân bản địa gọi là “đường ngựa đứt hơi”, tôi xin phép đi nghỉ sớm. Nửa đêm chợt tỉnh vì gió lạnh thổi sương luồn vào chăn mỏng, tôi nghe tiếng con gái Ma Tơ nói chuyện với một chàng trai trên giường ngay cạnh. Sẩm tối vào nhà, rõ ràng cô bé này chưa tròn 15 tuổi. Hoá ra con gái Hà Nhì yêu rất sớm, chuyện chăn gối với người mình yêu ngay tại nhà bố mẹ đẻ cũng tự nhiên như việc hít thở khí trời vậy. Nay có thể yêu người này, mai người khác không ai cấm, nhưng khi cưới nhau rồi thì phải chung thuỷ cho tới tận ngày nằm xuống đất.
Khách đến, con gái chủ nhà ở trong buồng rũ chăn, rũ chiếu mà khách không “biết điều” vào ngủ cùng thì tối đó không có chăn mà đắp, sáng dậy không có cơm nắm mà mang đi đường. Vậy mà khi tôi ngồi nói chuyện, có tới ba cô mặc rất diện vào túm tay lôi đi, nói một tràng gì đó. Ma Tơ bảo, nó khen cán bộ đẹp trai, rủ ra đồi chụp ảnh. Tôi nhờ Ma Tơ nói lại rằng trời đầy sương thế này thì làm sao mà chụp được, với lại cán bộ đau như rụng mất chân rồi.
Ma Tơ đập tôi dậy thật sớm, bắt uống rượu thật nhiều: “Cán bộ uống cho ấm, đi cho đỡ mệt”. Quả thật đoạn đường từ Mù Cả đến Ma Ký dài 7 cây số chỉ đi mất gần hai giờ. Nhưng tan rượu thì lạnh thấu xương, khớp chân rã rời không tuân theo ý mình nữa. Qua Ma Ký chừng hai tiếng thì điều lo sợ nhất đã xảy ra. Hết một khe suối nhỏ, đường mòn chia thành sáu ngả. Ngồi đợi gần nửa giờ mà chẳng có ai qua để hỏi đường, tôi đánh liều đi vào một ngả, một lát thì hết lối.
Đường thứ hai càng đi càng rậm rạp, thiếu dấu chân người. Có dăm nóc nhà sàn thấp thoáng, tôi đi cố đến để hỏi đường. Không một bóng người, cái bản ma quỷ này đã chết từ lâu trong sương gió. Lạc đường. Trời đầy mây mù, không còn biết đâu là phương hướng, tôi đã thành một thứ trò chơi của rừng già. Chưa bao giờ tôi có cảm giác cụ thể hơn về sự cô độc đến vậy. Tôi không dám đứng ở đó lâu, rẽ cỏ tìm dấu chân mình quay ngược trở lại, đoạn nào đi được thì đi, đoạn nào chạy được thì chạy, lộn về Mù Cả.
Dân bản cho hay, nếu tiếp tục đi xuyên qua cái bản hoang tàn đó ba giờ nữa sẽ sang đất Trung Quốc, còn con đường tôi cần đi cách ngã sáu chưa đầy 50 mét, nằm trên lưng chừng vách đá. Một lát sau tôi có khách đến thăm, đó là Vương Đình Châu, Phó đồn biên phòng 315 được một người lính đi kèm dìu đến. Anh Châu bị sốt rét đã ba ngày, người xanh rớt, từ bản Mù Sung gắng gượng chống gậy về được đến đây, thấy vết giầy lạ đoán là có khách dưới xuôi nên tìm xin thuốc cảm.
Anh Châu bảo: “Em quay về đi, từ đây vào Apachải còn 70 cây số nữa, xuống sức em không đến nổi đâu”. Tôi nghĩ bốn ngày quay về còn ngại hơn, nên quyết định đi tiếp, rồi muốn ra sao thì ra. Tối anh Châu đi tìm khắp bản, có Vù Á Hoa ngày mai đi sâu vào Ma Ú, dặn đi dặn lại cho tôi được đi cùng.
Á Hoa dáng đi hơi cúi, người gầy nhỏ nhưng sẵn lòng mang hộ ba lô, có đoạn còn cõng qua suối, cởi giầy, bắt vắt cho tôi. Lòng tốt của anh lúc đầu khiến tôi ngờ vực. Tôi thử rút tiền gửi nhưng Á Hoa không lấy, cởi áo tặng không nhận, cho thuốc cảm không nghe. Mãi sau mới rõ Á Hoa nghiện suốt 8 năm, bị nhiều người xua đuổi. Còn tôi, người Kinh miền xuôi, chịu đi cùng, chịu nghe kể lại những đoạn đời này là một điều gì đó anh chưa bao giờ dám mơ tới. Á Hoa mời tôi vào nhà ăn cơm trưa bằng được, lụt cụt chạy xuống suối đánh cá, ra đồi đuổi gà làm cơm.
Giữ tôi ở lại chờ ngày trăng tàn vào mỏ muối Mồ Pá Chù săn nai không được, Á Hoa mang ba lô tiễn tôi gần năm cây số. Á Hoa bắt tôi nhớ khi đi đến đoạn suối có rất nhiều cổ thụ, ong làm tổ thành từng đàn lớn thì đặt vào tảng đá ven hồ nhỏ hai điếu thuốc lào, và đi tiếp không được quay đầu nhìn lại. Gặng hỏi mãi Á Hoa mới kể rằng, đoạn suối đó có ma thiêng, trâu bò không dám lội, dù giông gió thế nào cũng không một chiếc lá rơi được vào mặt nước. Người xưa đến đây dựng bản kể lại, ngồi để tay ra sau lưng cầu xin còn được ma cho bát, cho nồi. Á Hoa tháo con dao găm có vỏ da rất đẹp đeo bên người tặng bạn để hộ thân. Chào nhau, Á Hoa khóc. Sau này mới biết thêm rằng, Á Hoa đã đóng một mảnh giấy vào thân cây ven đường mòn nhờ người qua lại, có ai gặp tôi thì gửi lời mời hẹn ngày quay lại uống thêm với anh vài bát rượu.
Càng vào sâu vùng ngã ba biên giới càng thấy nghèo đói. Trẻ con bản Gò Cứ thấy khách miền xuôi, trần truồng chạy theo đông như kiến. Bản Gò Cứ, theo cách nói của bà con, rẽ cá mới thấy nước, ra vườn hái rau không nhanh bằng xuống suối quăng chài, mà dân thiếu thốn đủ bề. Người Gò Cứ hầu hết mù chữ, không nói được tiếng Kinh – cả bản có 82 nóc nhà nhưng chỉ 9 hộ đủ ăn mùa giáp hạt. Lưỡi cày thiếu, dao phát nương cũng thiếu. Đã thế đêm nào lợn rừng cũng về hàng đàn hai, ba mươi con phá ngô, phá sắn. Lồ Ô Vô mới 32 tuổi đầu mà có tới 10 con, vợ quanh năm chỉ nằm ở nhà mà đẻ. Sốt rét triền miên, mỗi lần cử người về PácMa xin thuốc chỉ được 30 viên đựng không đầy một bát, cả bản dành dụm bẻ đôi chia nhau cũng không đủ.
Trưởng bản Pờ O Xá người như ma rừng, quần áo rách phải buộc túm bằng lạt, nửa đêm còn làm thịt một con chó ba cân đãi khách. Anh Xá lo rằng một năm nữa Gò Cứ sẽ không còn người có trình độ lớp năm, đi họp ở xã biết ghi cái chữ ra giấy về phổ biến lại cho bà con, thay anh làm trưởng bản.
Lời nguyền “người Hà Nhì lội qua suối bị lừa ăn mất chữ” đến giờ vẫn còn dai dẳng. Trẻ con giỏi lắm chỉ hết lớp 2, muốn học tiếp phải về Mù Cả theo con đường “ngựa đứt hơi” đến người lớn còn phải đi mất 9 tiếng, sao đi nổi? Người ta quên mất những bản làng heo hút này, hay không làm gì nổi? Nghỉ dừng chân ở nhà nào, dù chỉ uống một bát nước đun sôi, tôi cũng vờ để quên một cái gì đó: áo mưa, đèn pin, dao cạo râu, bật lửa... Một chút cũng có thể giúp họ đỡ nhọc nhằn.
Từ Gò Cứ lên Sen Thượng, người ở đây gọi là “con đường khỉ”. Đường dài gần 20 km dọc suối, bám vách đá bên này chán lại lội sang bám vách đá bên kia. Suối Mophí có chỗ lội sâu ngang bụng, nước lạnh buốt xương, lính biên phòng vào nhập ngũ dân bản phải túm thắt lưng dắt đi từng bước một. Lội Mophí, đã ngã là chết, đầu gối va vào đá sẽ không đứng lên được nữa, cứ thế bị nước cuốn trôi.
Trước ngày tôi đi hai tuần, một thiếu nữ Apachải đội muối bị nước cuốn, dân bản vừa khóc vừa đuổi theo tìm xác suốt 7 ngày trời mới thấy. Đó không phải là xác nữa mà là một cái túi da người lổn nhổn xương vụn vì ghềnh thác, tóc rối bời vì nước xoáy.
Trên những doi cát dài bốc hơi ngùn ngụt trong nắng trưa, thỉnh thoảng lại xuất hiện những dấu chân hươu to như miệng bát. Cá suối đuôi đỏ như lửa nghe tiếng chân người, chạy bắn nước. Trong những vực sâu, vẫn còn những con to như đứa trẻ, muốn bắt phải dùng sào đuổi ra dòng cạn rồi dùng súng bắn. Những con rắn đen, trắng nhỏ như chiếc đũa cuộn mình ngủ ngon lành trong các hốc đá, mặc người đi lại, những vạt cỏ gianh dài hai, ba trăm mét muốn vượt qua không phải là đi, mà là chui, lá sắc cào rách bất kỳ phần cơ thể nào lộ ra ngoài quần áo. “Năm nay mưa nhiều cỏ rậm, rồi hai tháng nữa lửa rừng sẽ lại cháy suốt đêm thôi” – người Sen Thượng nhìn trời bảo thế.
Bản Sen Thượng đón chào tôi bằng hai cô gái trần truồng tắm suối, té nước líu lo rủ cán bộ xuống tắm cùng. Một cô chạy lên bờ chả ngại ngùng gì: “Cán bộ ơi, cho A Nhí xin một ít xà phòng thơm đi”. A Nhí đợi tôi cho xà phòng mỏi cả chân trần.
Chủ tịch HĐND xã Xín Thầu – Chu Xế Chừ, tiếp khách lạ mà như đón bạn cố tri, mời thịt gà rừng, cá pàxì, tối đến tự tay anh đem cao trăn nướng trên than hồng hoà rượu.
Sau ngày chiến tranh biên giới, đã gần 20 năm rồi không có nhà báo dưới xuôi vào Sen Thượng. Đó là một lý do và anh cũng có cho riêng mình một lý do nữa. Anh đã từng là một người lính cụ Hồ về quê nhà và không đi đâu thêm được nữa. Xế Chừ coi tôi là một dịp may chưa từng có, có thể đem giùm anh lá thư về Hà Nội cho người bạn một thời điếu thuốc hút chung trên đường hành quân. Khi bà con nghe tin nhà báo về bản kéo đến chật nhà, kể biết bao chuyện buồn vui đã về hết, tôi chứng kiến Xế Chừ ngồi chong đèn, mắt ướt viết thư cho bạn. Sen Thượng xa lắm Hà Nội ơi. Thế mà còn phải một ngày dầm mình trong suối lạnh suốt đoạn đường 24 cây số nữa mới đến được Apachải...
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Theo Việt Thường (Vietnamnet)
Du lịch, GO!
Monday, August 4, 2014
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment