(Zing) - Vùng biển Hàm Thuận Nam cách thành phố Phan Thiết khoảng 30 Km. Đây là vùng biển hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến. Ở đây, ngư dân sống thân thiện, tình cảm dạt dào như biển khơi. Một vùng biển nắng đẹp, nước xanh, sóng vỗ mà êm đềm hiền hòa.
Khác với vẻ tấp nập, ồn ào ở Phan Thiết, làng chài ven biển Hàm Thuận Nam mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình. Đâu đó là hình ảnh quen thuộc của những chiếc thuyền đánh cá xa bờ, là hình ảnh bà cụ đang ngồi cắt vẩy cá mỗi buổi sáng, là những đứa trẻ đang chơi đùa với những con cua khi đợi bố mẹ chúng chở đi học.
Về với biển
Đến Bình Thuận, khách du lịch dễ dàng bắt gặp những bãi biển xanh ngắt với cát trắng, đá gập ghềnh, những rặng dương cao vút, đẹp đến nỗi mê mẩn. Chính sự nhộn nhịp của những làng chài đã tô đẹp cho một vùng hoang sơ.
Vùng biển Hàm Thuận Nam cách thành phố Phan Thiết khoảng 30 Km. Ở đây, các dịch vụ du lịch không được khai thác nhiều nên vùng biển chạy dài Hàm Thuận Nam vẫn giữ được vẻ đẹp thuần khiết mà thiên nhiên ban tặng. Chạy xe từ Sài Gòn tới Bình Thuận, tôi và người bạn đồng hành ghé thăm nhà một người bạn ở Hàm Thuận Nam.
Đường đi vào nhà bạn đang làm lại nên bụi mù mịt, sỏi đá lởm chởm, nếu không chắc tay lái thì khó mà tránh khỏi việc bị “dập mông” bởi những ổ voi to tướng. Gạt chống xe trước cửa nhà bạn là khi trời đã nhá nhem tối. Tôi nằng nặc đòi bạn dẫn ra biển chơi. Tôi khao khát được một lần ra với biển.
Từ nhà bạn ra biển chỉ đi có dăm, mười phút. Biển chiều, sóng lặng, những hàng dừa xanh ngắt cũng ngừng lung lay. Biển chiều, mọi thứ hoang vu, đường chân trời mờ hẳn, và còn đó, biển một mình, chẳng bóng người qua. Chúng tôi đã nghỉ chân tại nhà bạn, đêm nằm võng, nghe tiếng ếch kêu dưới ao và ngắm vườn thanh long sáng rực.
Nhộn nhịp nơi biển vắng
Điều thích thú nhất là ngày hôm sau, chúng tôi ra biển, ghé thăm làng chài Bến Dinh (xã Tân Tiến, TX. La Gi). Làng chài Bến Dinh là một làng chài tự phát, chủ yếu bán hải sản cho khách du lịch. Phía trong là điểm du lịch Dinh Thầy Thím nổi tiếng của Bình Thuận. Trái ngược với sự tĩnh lặng phía trong dinh, ngoài biển là sự ồn ào tiếng gọi mua - bán của những dân chài buổi sáng sớm.
Những chiếc thuyền đánh cá ở biển xa đã quay trở về, mỗi khoang tàu đầy ắp cá, tôm. Tôi nhìn thấy một người đàn ông, hình như là chủ tàu, vội vã bước xuống, trên vai là thúng cái sọc trắng đầy ắp. Chân người đàn ông đó, tiến về khu chợ đông người. Tiếng trao đổi mua bán râm ran cả một vùng biển.
Sự xuất hiện của chúng tôi không làm mấy ai để ý. Mọi người ai cũng có việc riêng. Thường thì sáng sớm, người dân tập trung ở chợ cá để mua bán những mẻ tôm, cá, mực còn tươi sống. Số đông tập trung vào công việc gỡ lưới, đổ cá vào thùng lạnh, cân cá cho thương lái. Thi thoảng có người đi lượm vài con cái chết ở các mẻ lưới đã gỡ xong. Cách bờ không xa, vài chiếc thuyền thúng chao đảo chở hải sản vào bờ, phần nhiều là ghe thuyền của ngư dân neo đậu ngoài xa để kịp cho cú “quay đầu” kế tiếp.
Đi loanh quanh một lúc, chúng tôi bắt gặp một bà cụ chặc 70 tuổi đang cắt vảy cá cho khách. Khi chúng tôi hỏi tên thì bà ngại bảo: “Cô chú hỏi tên tôi làm gì, tôi sợ lên báo lắm”. Tuy đã 70, nhưng mắt bà còn tinh, tay vẫn nhanh nhẹn. Bà vừa lấy cá từ trong chậu vừa nhìn chúng tôi nói: “Cá này là cá lười trâu, không có xương, làm dễ lắm. Tôi ngồi đây, lâu lâu có người tới thuê cắt vẩy, làm ruột cá. Khi nào người ta về thì tôi về”. Bà cho biết đã làm nghề cắt vảy cá này cũng khá lâu rồi. Già cả nên bà làm việc này kiếm vài ba đồng bạc mua gạo.
Bấp bênh nghề biển
Ở làng chài, chợ sớm không chỉ có hoạt động buôn bán mà còn có những quán ăn sáng nho nhỏ với chiếc bàn, cái ghế đơn sơ. Với cách phục vụ cà phê “đứng” đặc trưng của của vùng này. Trong đám đông vào những đứa trẻ con mang đồng phục ngồi chụm 5, chụm 7 nghịch chiếc chậu nhựa có đựng những con cua. Chúng cười sảng khoái. Tôi ghé lại ngồi cùng. Hóa ra các em đang ngồi chờ bố mẹ gỡ lưới, nhập cá xong mới chở đến trường.
Em Hồng Ly (5 tuổi) nhanh nhẩu: “Tụi con ra đây chơi, khi nào xong mẹ con mới chở con đến lớp. Có bạn Linh, Trung học cùng lớp mầm với con, còn bạn Hân học lớp lá”. Hỏi cô bán cá gần đó mới biết, tụi nhỏ nhà gần sát biển, sáng nào cũng theo cha mẹ ra biển từ sớm rồi mới đi học.
Nghề biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết để ra khơi đánh bắt. Hầu hết người dân sống vùng này đều kiếm sống từ nghề đánh bắt cá, khoản thu nhập “ba cọc ba đồng”. Ngày nay, từ đánh bắt ven bờ, nhiều hộ ngư dân đã sắm được thuyền to để đánh bắt xa bờ.
Tôi ngạc nhiên, mới chiều tối qua, trước biển còn hoang vu, đìu hìu. Sáng nay, mọi thứ thay đổi, ở đó là sự nhộn nhịp của một vùng quê chài lưới hiền hòa, bình yên. Ở đó là nơi mà những người con vùng biển chất phác, với làn da rám nắng vẫn ngày ngày kiếm cơm bằng những thứ quà của biển ban tặng.
Cuộc sống của người dân làng chài khu Bến Dinh vẫn mộc mạc, đơn giản từ bao đời với những chiếc thuyền thúng, thuyền gỗ, với mái chèo, mảnh lưới. Họ vẫn sống cuộc sống bình dị, yên ả nơi vùng biển vắng. Nơi mà ở đó con người hòa quyện với thiên nhiên hơi và mỗi nơi đặt chân đến đều mang hơi thở cuộc sống làng chài.
Cách đó không xa là làng chài vùng biển Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam cũng nhộn nhịp không kém. Ở làng chài Kê Gà lúc nào cũng đều tấp nập người ra vào, xe chở hàng chạy liên tục.
Chúng tôi rời làng chài khi chạy ngang qua một lần nữa rồi đi thẳng lên thành phố Phan Thiết. Xa xa là những chiếc thuyền đang lênh đênh giữa biển, làng chài với ít ghe thuyền cập bến, vài chiếc thúng dựng trước nhà chòi lá.
Và ở đó có vài bóng người bước đi trên cát trắng.
Theo Sam - Tôn Nguyên/Zing.vn
Du lịch, GO!
Sunday, August 24, 2014
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment