(BCT) - Đến Đồng Tháp mà chưa viếng mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và chưa dạo bước trong không gian dân dã của làng Hòa An xưa là xem như chưa đến xứ Sen Hồng…
Khu Di tích Mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – nằm ven đường Phạm Hữu Lầu, trục đường chính của TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Sau nhiều lần tôn tạo, mở rộng, hiện Khu di tích đã trở thành một quần thể công trình lịch sử văn hóa lưu niệm nổi tiếng cả nước với khuôn viên rộng hơn 9 ha. Mộ cụ Phó Bảng hướng về phía Đông, mái vòm cách điệu hình ảnh cánh hoa sen của đồng quê Tháp Mười, phía trên là 9 con rồng cách điệu, tượng trưng cho đất Cửu Long.
Trước ngôi mộ là Hồ Sao, được thiết kế với hình ngôi sao năm cánh, hoa sen trong lòng hồ tỏa hương quanh năm. Giữa hồ là một đài sen cách điệu 6,5m vươn cao, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Phó Bảng. Việc đầu tiên của du khách khi đến đây là thắp nén nhang cho cụ Phó Bảng và hoài niệm về cuộc đời của Người trong nhà trưng bày, lưu niệm.
Một công trình nhiều ý nghĩa trong Khu di tích là ngôi nhà sàn, ao cá Bác Hồ được phục dựng theo tỷ lệ 1:1 so với nguyên gốc. Nhiều du khách đã dừng lại thật lâu để ngắm nhìn chiếc ghế, bàn làm việc, mái nhà sàn đơn sơ, giản dị - những kỷ vật của Bác Hồ - mà lòng không khỏi bồi hồi.
Đến đây du khách không khỏi tưởng tượng đến khung cảnh làng Hòa An (tức một phần TP Cao Lãnh ngày nay) của gần trăm năm trước, thời cụ Phó Bảng từng sinh sống, bốc thuốc cứu người. Dưới bóng mát của những tán cổ thụ giữa lòng thành phố trẻ Cao Lãnh, cảnh sinh hoạt của làng Hòa An xưa được tái hiện sinh động qua những con kinh, chiếc cầu khỉ, mái tranh…
Đặc biệt có hàng chục ngôi nhà lá, song tre tái hiện một xóm nhỏ của làng Hòa An xưa. Này là ngôi nhà có ông thầy hốt thuốc Nam, kia là nhà của gia đình làm nghề xắt thuốc rê như mấy câu ca xưa: “Thuốc nào ngon bằng thuốc rê Cao Lãnh. Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân”… Cảnh sinh hoạt đời thường của người dân Hòa An xưa như giã gạo, xay lúa, thầy đồ dạy học… hẳn sẽ là những trải nghiệm khó quên cho du khách thích hoài cổ.
Đặc biệt, trong khuôn viên Khu di tích có hàng trăm cây kiểng cổ quý hiếm do người dân địa phương và cả nước hiến tặng tạo nên không gian cổ kính hiếm có. Nhiều du khách không thể rời mắt trước gốc khế do ông Giáo Kỳ (Sa Đéc) hiến tặng có tuổi đời hơn 150 năm, hay gốc sung, gốc lộc vừng cũng đã gần trọn thế kỷ với hình thù rất độc đáo, dáng thế đẹp. Đến đây ngắm cảnh, thỏa thích đong đưa theo mấy nhịp cầu tre, du khách ngồi dưới những hàng dừa, bụi tre thư giãn, nghe chim hót râm ran và tận hưởng hương sen hồng thoang thoảng.
Hằng năm, đến ngày Giỗ cụ Phó Bảng (27-10 âm lịch), hàng trăm ngàn lượt khách từ ĐBSCL và dòng tộc Nguyễn Sinh từ miền Trung về Đồng Tháp để tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã gieo mầm cách mạng trên xứ Sen Hồng. Sau phần lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống là phần hội rất rộn ràng, độc đáo nhất vẫn là Hội thi Trạng Nguyên – tái hiện một kỳ khoa cử thời xưa… Ngoài ra, hầu hết các sự kiện, lễ hội, Tết Nguyên đán, Đồng Tháp đều chọn Khu Di tích Mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc để tổ chức. Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đang lập hồ sơ đề nghị Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận Ban Quản lý Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực.
Dành cho những người thích “phượt”
Từ trung tâm Cần Thơ, du khách có thể đi xe máy đến Cao Lãnh bằng đường tắt, chừng hơn 80km. Du khách đến Ô Môn, qua bến đò Rạch Nọc – Xã Hời, chạy chừng 5km là đến ngã ba Phong Hòa. Con đường từ Phong Hòa đến Sa Đéc rất đẹp bởi hai bên đường là những cánh đồng trồng huệ trắng tỏa hương ngào ngạt. Trên đường từ Sa Đéc đi Cao Lãnh, du khách sẽ đi qua làng hoa Tân Qui Đông nức tiếng cả nước. Du khách tha hồ chiêm ngưỡng, chụp ảnh với sắc hoa Sa Đéc. Đó là những trải nghiệm mà chỉ dân “phượt” mới có.
Theo Khánh Như (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!
Wednesday, September 24, 2014
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment