Monday, September 22, 2014

Ven lòng hồ Thủy điện Sơn La

(DTO) - Một lần được chiêm ngưỡng, thả hồn trên lòng hồ Thủy điện Sơn La sẽ khiến du khách ngẩn ngơ bởi vẻ đẹp hùng vĩ. Trong khung cảnh yên bình, lãng mạn, non xanh nước biếc và nhịp sống trên lòng hồ…

Mang trên mình vẻ hoang sơ của núi non, với chứng tích lịch sử của Vua Lê Lợi sau khi đem quân dẹp giặc phương Bắc trở về để lại bút tích trên vách đá sông Đà, hay dinh thự của vua Thái-Đèo Văn Long một thời được người đời biết đến bằng những điệu xòe làm ngất ngây lòng người. Ven lòng hồ thủy điện hôm nay còn lưu giữ nhiều bản làng, với nét kiến trúc văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của các dân tộc như: Thái, Dao, Mông...

Dòng sông Đà nay không còn dữ dôi như ngày nào mỗi khi mùa lũ về. Nếu có dịp trải nghiệm bạn ở đây sẽ không còn cảm giác gai người của những lần vượt thác, xuống ghềnh trên dòng. Đổi lại là cảm giác bồng bềnh và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí về một nền văn hóa sông nước. Những vách đá dựng đứng, những sườn núi bạt ngàn hoa rừng, từ phong lan khoe sắc tím, sắc vàng đến vẻ đẹp trắng tinh khôi của hoa ban, tất cả được thu vào tầm mắt trong vẻ ngỡ ngàng

Lên Sơn La chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên hồ thủy điện, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Đi trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, bạn sẽ được đắm chìm trong sắc màu văn hóa của các dân tộc sinh sống ven lòng hồ rồi được chứng kiến cuộc sống của người dân vùng lòng hồ.

Cùng với Lễ hội “Kin pang then”, “Kin păng ả”, “gội đầu”…, Lễ hội đua thuyền vào dịp đầu xuân năm mới trở thành nét văn hóa không thể thiếu của người dân ven đôi bờ sông Đà.

Xưa kia, vào ngày đầu xuân năm mới, trai gái hai bên bến Mường Chiên thường tổ chức đua thuyền độc mộc. Thuyền được làm bằng gỗ chò chỉ (gọi là Hớ Pang), chỉ có một người chèo, một người lái. Cuộc đua thường diễn ra giữa trai gái các bản hai bên bờ sông, theo hình thức cướp cờ.

Bây giờ, những cuộc như thế diễn ra giữa nam, nữ của các xã, bản. Thuyền được làm bằng nhựa composite và mỗi thuyền có 10 người tham gia. Lễ hội đua thuyền cũng là dịp để mọi người trở lại thăm quê, giao lưu chia sẻ tình cảm, để lại nhiều câu chuyện xúc động. Thế đấy, ngoài thắng cảnh thiên nhiên trên vách núi sông Đà, đi trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, du khách còn được đắm chìm trong sắc màu văn hóa của các dân tộc sinh sống ven đây

Từ ngày dòng sông hòa vào lòng hồ, dưới đáy hồ là hệ thảm thực vật phong phú đã thu hút hàng trăm loài cá tìm đến kiếm ăn. Chính vì thế, những loài cá ở đây đã trở thành đặc sản không đâu có được giữa núi rừng Sơn La. Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của lòng hồ ví như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động với nhiều đảo núi nhấp nhô. Đoạn quây quần, tụ lại xúm xít chen chân, có chỗ lại tách rời riêng biệt tạo những nét chấm phá cực kỳ tài nghệ. Những người làm thuỷ điện ở đây bảo rằng, chiều ngang rộng nhất của lòng hồ có chỗ rộng hơn cả 10km.

Trong suốt hành trình khám phá lòng hồ, bạn cũng được tận mắt chứng kiến một hệ sinh thái bán sông nước đầy hấp dẫn.

Các nhũ đá được kiến tạo qua hàng nghìn năm, với nhiều hình thù, màu sắc xen lẫn là những vách đá rêu phong, bám trên mình thảm thực vật xanh trải dài ngút mắt. Những hình ảnh tuyệt phẩm đó ngày nào du khách chỉ được ngắm qua lăng kính ống nhòm thì nay đi trên lòng hồ có thể cho thuyền cập vào bờ và chạm tay vào được.

Và mỗi buổi sáng, khi mặt trời ẩn hiện trên những dãy núi, những đám mây còn e ấp trên những ngọn đồi, thì nhịp sống trên hồ đã bắt đầu tự bao giờ.

Nước, núi và con người hòa quyện, hiện ra dưới cái nắng ban mai. Chỉ cần nhìn thôi, bạn cũng đã cảm thấy cái không khí mát lạnh, trong lành đang lấp đầy cơ thể. Một không gian rộng lớn, mờ ảo trong cái hừng đông khiến cho ta nhỏ bé trước thiên nhiên Tây Bắc
Hồ trên núi, một kiệt tác thắng cảnh do con người tạo ra đã và đang là lợi thế của ngành du lịch.

Thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng vào năm 2005. Đây là Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, có công suất 2.400 MW và là Nhà máy thủy điện thứ hai được xây dựng trên dòng sông Đà (sau Nhà máy thủy điện Hòa Bình, có công suất 1.920 MW, được khánh thành năm 1994). Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân nam (Trung Quốc) chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ (Việt Nam). Sông Đà có lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng và là một nguồn tài nguyên thủy điện lớn của ngành công nghiệp điện Việt Nam.

Theo Minh Phan (Dân Trí)
Du lịch, GO!

Ven lòng hồ Thủy điện Sơn La Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment