(Giải trí) - Sau 8 ngày lang thang qua những nẻo đường thênh thang mây trắng, chúng tôi "hạ độ cao", rời khỏi Tây Tạng qua ngã biên giới với Nepal ở thị trấn Zhangmu - Kodari.
Ngày thứ 8, bạn hướng dẫn người Tây Tạng thông báo tin "sét đánh": đường từ biên giới Nepal về Kathmandu sạt lở nghiêm trọng hơn 3 tuần nay và hiện vẫn chưa sửa xong.
Bạn nói chỉ có hai cách: một đi được một đoạn sẽ phải xuống lội bộ qua đoạn sạt lở hơn 2 giờ, hai là thuê riêng hai chiếc trực thăng chở thẳng từ biên giới về Kathmandu.
Tiến thoái lưỡng nan
Ngay chiều hôm đó cả nhóm phải hội ý chớp nhoáng. Quay về cũng không được vì Tibet Permit (giấy thông hành khách phải xin khi đi du lịch Tây Tạng) không được thay đổi lịch trình, nghĩa là cả nhóm buộc phải rời khỏi Tây Tạng ngày thứ 9, không được quay lại đường cũ.
< Sân bay dã chiến trên đỉnh đồi Kodari sẽ đưa các hành khách bất đắc dĩ qua biên giới Nepal.
Đi tiếp mà chọn đường bộ cũng không ổn vì hành lý đồ đạc lỉnh kỉnh (các thể loại áo ấm, quần ấm, khăn ấm ai cũng 4-5kg mang theo để chống lại cái rét trên cao nguyên Tây Tạng) mà vác bộ 2-3 giờ qua đường đèo sạt lở cũng không xong.
Mọi người quyết định sẽ đi trực thăng dù không biết giá cả sẽ thế nào trong khi tiền dành cho chuyến đi cũng gần hết, VISA card ở đây lại không xài được. Hỏi dò hai bạn gái Pháp ngồi cạnh trong quán ăn được biết mỗi bạn phải tốn hết 300 USD/người, cả nhóm cũng hơi hãi. May mắn gọi được bạn hướng dẫn người Nepal đã liên lạc lúc trước, sau một hồi qua lại, bạn đồng ý với giá 200 USD/người mà cả bọn vẫn ráng trả thêm, dặn bạn ráng kiếm thêm 2 người nữa đồng ý đi chung để chia tiền.
Sáng hôm sau, trong tâm trạng lo lắng, cả nhóm xếp hàng lần lượt qua Hải quan. Qua đến nơi… không thấy bạn hướng dẫn đâu, gọi điện thoại cho bạn ấy cũng ò í e, chỉ có mấy chục bạn "cò" đang đứng đợi sẵn, í ới chào mời đi taxi về… Kathmandu. Trong đó có một bạn vô cùng sốt sắng xách luôn hành lý của nhóm, nói là "biết" bạn hướng dẫn của mình.
< Các em nhỏ Nepal ở Kodari.
Quá lạ nước lạ cái nên cả nhóm nhất quyết không chịu, buộc bạn ấy gọi cho hướng dẫn kia bằng được. Sau hơn chục cuộc gọi, bạn hướng dẫn tên Ram cũng bắt máy. Thì ra Ram phải ở lại sân bay Kathmandu để giải quyết thủ tục cho chuyến bay, còn bạn này là... "cò" thật nhưng Ram nói cả nhóm cứ đi theo, bạn sẽ đưa đến khu vực trực thăng mà không lấy xu nào.
Sau khi làm thủ tục hải quan nhanh chóng gọn nhẹ tại "phòng" nhập cảnh, chưa khỏi bất ngờ với cảnh tượng nhộn nhạo ở thị trấn biên giới Kodari, cả nhóm đã được tương lên một chiếc xe bán tải cùng hành lý không chằng buộc. Xe chạy tưng tưng qua một đoạn đường đầy ổ gà ổ voi, lao vù lên một con dốc 45 độ rồi cuối cùng đổ kịt tại một ngôi làng hẻo lánh trên núi.
Mọi người vẫn chưa hiểu gì cũng chẳng thấy trực thăng đâu thì đã thấy hành lý của mình được người dân trong làng nhanh chóng khuân đi mất dạng. 8 đứa lọc cọc chạy theo thì thấy hành lý đã được mang đến một ngôi trường tiểu học trên đỉnh đồi. Thì ra khi đường sạt lở, quân đội Nepal đã nhanh chóng thiết lập một sân bay dã chiến ngay tại sân trường tiểu học này. Giờ cả nhóm mới thở phào nhẹ nhõm ngồi đợi trực thăng đến "rước" đi và tranh thủ chơi đùa, chụp hình với các em học sinh, người dân ở đây.
< Chụp hình với anh phi công đẹp trai.
Sau một buổi sang quá nhiều cảm xúc lo lắng, bỡ ngỡ, hoảng hốt... đến lúc đó mọi người cũng mới có thời gian để cảm nhận dần vẻ đẹp của núi rừng, của những người dân chất phát nơi biên giới; của những em bé Nepal mắt to tròn, cười bẽn lẽn khi lần đầu gặp người "ngoại quốc".
Chuyến trực thăng "bất đắc dĩ" qua biên giới
Chưa thấy bóng trực thăng đâu đã nghe tiếng động cơ ù ù vang rền từ rất xa, sau đó là một cái chấm bé tẹo xuất hiện giữa hai vách núi cheo leo xa tít. Vậy mà chỉ trong ít phút, trực thăng đã hiện ra trước mắt. Cả nhóm chưa hết hí hửng với máy ảnh đang chụp tới tấp đã phải bịt kín mắt mũi chạy ra xa vì trực thăng làm bụi bay mờ mịt cả khoảng sân trường khi đáp xuống.
Ngay sau đó, nhóm đầu tiên trong chúng tôi được đưa ngay ra trực thăng, bạn "cò" Nepal trao đổi gì đó với anh phi công rồi "tương" thêm hai bạn người Nepal khác nữa lên cùng. Sau này hỏi ra mới biết hai bạn này là người làng ở đây, xin "đi nhờ" trực thăng về Kathmandu cho lẹ.
< Quang cảnh biên giới Nepal tuyệt đẹp nhìn từ máy bay trực thăng.
Cả quá trình trực thăng đến và đi chỉ trong vòng vài phút, mọi người vẫn chưa hết cái cảm giác khó tả, lẫn lộn giữa sung sướng, bàng hoàng pha lẫn sợ sệt đã thấy mình ngồi cao rất cao so với mặt đất trong chiếc máy bay bé tí và bên dưới là một mảng xanh rì của đồng ruộng, sông suối.
Trưc thăng đưa chúng tôi qua những cao độ khác nhau, xuyên qua những vách núi cao dựng đứng, xa xa còn thấy thấp thoáng trong mây những đỉnh núi tuyết của dãy Himalaya. Cảnh tượng đẹp đẽ và thay đổi liên tục làm mọi người quên ngay chút sợ sệt ban đầu và cà tiếng ồn ong ong khó chịu của động cơ. Hơn 30 phút bay, qua một vách núi cao, thung lũng Kathmandu đã hiện ra rực rỡ trước mặt. Thiên nhiên thật diệu kỳ khi giữa muôn trùng núi đồi (chiếm hơn 80% diện tích quốc gia), lại ban tặng cho Nepal một thung lung xanh tươi trù phú như Kathmandu.
< Bay qua biên giới trên trực thăng.
Từ bao đời, nơi đây đã được các vì vua Nepal chọn làm kinh đô dựng nước, có dời đô cũng chỉ quanh đi quẩn lại các địa danh nằm trong thung lũng này. Cũng vì thế, về sau Kathmandu còn có tên gọi rất hay là "thung lũng của các vì vua".
Trực thăng đáp xuống sân bay Tribuhvan (cũng là tên một vị vua Nepal) trong sự… tiếc nuối của chúng tôi. Ai cũng ước được đi lâu chút nữa để nhìn ngắm vẻ đẹp đầy màu sắc của xứ sở này, từ màu xanh rì của những đồng ruộng vườn tược đến màu cam nồng của những ngôi nhà, kiến trúc đền đài Kathmandu hay màu trắng ám ảnh của 9 ngọn núi tuyết trong dãy Himalaya…
Nepal đã chào đón chúng tôi thật lạ…
Theo Hoàng Việt (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Monday, October 6, 2014
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment