Friday, October 3, 2014

Tan hoang núi Chuông

(BNN) - Xã Tân Lĩnh nơi hệ thống đình chùa dày đặc được xây dựng từ thời Lý, Trần. Cách nay 5 thế kỷ Gia quốc công Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật chọn bến Lăn dưới chân núi Hắc Y xây dựng võ trường luyện tập binh sĩ. Tân Lĩnh còn có núi Chuông chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tâm linh, từ năm 2002 người ta đã đã biến núi Chuông thành mỏ đá. Chẳng bao lâu núi Chuông sẽ bị san phẳng, những chuyện về núi Chuông chỉ còn lưu truyền trong dân gian...

< Núi Chuông thuở còn nguyên sơ.

Núi Chuông nằm cạnh con đường vào thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên (Yên Bái). Núi giống hình quả chuông chùa khổng lồ nổi lên giữa cánh đồng lúa. Cách núi Chuông không xa dưới chân núi Hắc Y, từ thời nhà Lý, tiếp đến thời Trần đã cho xây dựng một hệ thống đình chùa, miếu mạo dày đặc.

< Núi Chuông những năm đầu khai thác.

Trên bán kính khoảng 10 km dọc bờ sông Chảy, chùa có: Chùa Hắc Y- Đại Cại, chùa São, chùa Núi Úc, chùa Dõng, chùa Thượng Miện, chùa Vàng…; đình có: Đình Bến Lăn, đình làng Sâng, đình làng Mủng, đình Mai Sơn, đình Lâm Thượng, đình Nà Ngàm… Sau 7-8 thế kỷ hệ thống đình chùa đó đã bị thời gian tàn phá giờ chỉ còn lại những dấu tích nằm trong lòng đất. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã đánh giá khu vực khảo cổ Hắc Y là: “Một trung tâm văn hoá phật giáo tại vùng núi rừng biên viễn…”.

< Từng mảnh núi Chuông bị xẻ thành các khối đá.

Không biết tự bao giờ người ta gọi trái núi giống như hình quả chuông là núi Chuông. Dưới chân núi Chuông có thôn Làng Chuông, Thôn Hin Chạng, thôn Roong Chuông và thôn Chuông Ính. Do kiến tạo của vùng núi đá, núi Chuông có hang sâu, khi gió thổi qua tạo thành âm thanh nghe binh bong tựa như tiếng chuông chùa. Người Tày nơi đây gọi núi Chuông là Đán Đình, đó là nơi thờ cúng của người dân.

Các cụ già ở đây truyền lại: Từ thời xa xưa núi Chuông là nơi thờ tự rất linh thiêng của bà con trong vùng. Ngoài những ngày lễ, Tết ai có điều gì mong muốn đều tới đây cầu xin. Sự linh thiêng của núi Chuông đã khiến bất kể ai đi qua đây nếu đi ngựa thì phải xuống dắt ngựa và hạ nón mũ, cũng như khi đi qua núi Hắc Y. Nếu ai không xuống ngựa hay hạ mũ nón thì sau đó sẽ gặp những chuyện chẳng lành.

< Núi Chuông bây giờ...

Ngày 19/10/2001, UBND tỉnh Yên Bái cho phép cho Cty Hùng Đại Dương khai thác mỏ núi Chuông chế biến đá vôi trắng nguyên khối và đá block để xuất khẩu. Quyết định này khiến nhiều người dân ngỡ ngàng, không ai có thể tin nổi nơi người dân thờ tự, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tâm linh đã bị biến thành công trường khai thác đá. Một khung cảnh yên bình dưới chân núi Chuông đã biến mất kể từ sau khi Cty Hùng Đại Dương đưa máy móc về khai thác và nổ mìn. Tiếng máy xẻ đá ầm ầm suốt đêm ngày khiến nhiều người đinh tai nhức óc không chịu nổi. Người ta bảo với tôi rằng: Đến người cũng không chịu nổi thì thần linh, thổ địa cũng kinh hãi mà bỏ đi.

< Núi Chuông thành hàng hoá xuất khẩu.

Việc khai thác núi Chuông bắt đầu từ việc hạ đỉnh, tiếp đến là đục khoét thân núi. Cả một trái núi khổng lồ sau hơn 10 năm khai thác đến nay không ai còn nhận ra hình thù gì nữa. Núi Chuông tan hoang, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hoá tâm linh đang bị xoá sổ. Một công trường khai thác đá ngổn ngang, những khối đá trắng toát như vành khăn tang bị ai đó giày xéo rồi vứt nhúm nhó trên mặt đất giữa trời.

Bà Đỗ Thị Hoà nhà đối diện với núi Chuông buồn bã: Người dân chúng tôi ở đây không đêm nào ngủ yên bởi tiếng máy xẻ đá cứ ầm ầm rung chuyển cả mặt đất...

Chuyện trò với bà Hoà tôi được biết, chồng bà là ông Đỗ Văn Ngự được nhận vào làm cho Cty Hùng Đại Dương chuyên khai thác đá. Năm 2004 nghe người dân nói trong hang núi chuông có những đồ thờ cúng bằng đồng, ông Ngự đã cùng một vài người chui vào trong hang tìm thấy một thanh kiếm cổ.

Bà Hoà buồn bã kể: Tôi chưa được tận mắt nhìn thấy thanh kiếm đó dài ngắn như thế nào, chỉ được nghe ông ấy kể lại: Hôm ấy một mình ông vào trong hang đá, hang nằm rất sâu ở lưng chừng núi. Bàn thờ đặt trên vách đá cao với nhiều đồ cúng như: Bát đĩa, bình hương và một thanh kiếm cổ. Ông ấy chỉ lấy mỗi thanh kiếm mang về. Vốn nhát gan, nên ông ấy không dám mang về nhà mà đưa cho thằng Hải và Hoà cất giữ. Tôi cũng chả biết hai thằng bán được bao nhiêu, nghe nói huyện đã thu lại rồi.

Từ sau khi nhặt được thanh kiếm đó, tiền chẳng thấy đâu còn gia đình tôi thì gặp bao nhiêu là chuyện chẳng lành: Trâu đang buộc trong chuồng tự nhiên sùi bọt mép lăn đùng ra chết, lợn gà chết dịch không còn một mống, năm sau ông ấy bị bệnh rồi mất ở bệnh viện bác ạ. Còn đứa con gái lớn nhà tôi thì bị cái thằng có hai con lừa. Vào làm vợ nó mấy năm ở trong Nam, nuôi con nó công cốc, còn mình thì chẳng đẻ đái gì, năm rồi nó bỏ ra đây rồi xin vào làm trong Cty Hùng Đại Dương giờ kiếm được thằng cháu trai bác ạ. Khổ, chả biết nói thế nào cho hết được nỗi khổ…

< Thanh kiếm cổ tìm thấy trong hang núi Chuông.

Sau khi tìm thấy thanh kiếm cổ ở núi Chuông người ta lại tìm thấy một thanh kiếm cổ khác ở xã Lâm Thượng. Hai thanh kiếm cổ đó, tôi đã được tận mắt thấy, hiện đang được người ta đặt lên bàn thờ như để tri ân người xưa trong việc mở đất và giữ nước nơi này.

Sau cái chết của ông Đỗ Văn Ngự, tiếp đến là anh Phạm Văn Vỹ sinh năm 1970 là công nhân, chết ngày 21/3/2005 do tai nạn khi đang khai thác đá. Ông Hoàng Ngọc Chấn, Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh cho biết: Giám đốc đầu tiên khai thác mỏ núi Chuông tên là Nguyễn Hoàng Minh cũng đã mất, ông Minh mất không rõ vì bệnh gì.

Không chỉ người dân nhiều cán bộ lãnh đạo huyện Lục Yên và tỉnh Yên Bái đều tiếc nuối việc khai thác núi Chuông. Giá trị vật chất có thể đo đếm được, nhưng giá trị tinh thần thì không lấy gì bù đắp được.

Nhân chuyện núi Chuông, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Yên Bái kể với tôi rằng: Trong một chuyến công tác ở TP. Hồ Chí Minh, một vị lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã phàn nàn tỉnh Yên Bái cho khai thác núi Chuông, đây là một trong những điểm huyệt thu hút nguyên khí từ vũ trụ của quốc gia.

Việc phá núi Chuông sẽ mang đến nhiều tai hoạ không chỉ với người khai thác mà còn liên luỵ tới nhiều người khác...

Theo một số cán bộ nghiên cứu văn hoá, cùng thời gian triều Lý, Trần cho xây dựng đình, chùa ở Lục Yên, nhà vua đã phái một số thầy pháp cao tay lên vùng biên ải yểm bùa vào các dãy núi để chống lại sự xâm lăng của các âm binh từ phương Bắc tới xâm lược bờ cõi nước ta. Nhiều thế kỷ sau, nhà cầm quyền phương Bắc luôn phái người xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam để gỡ những lá bùa đó, nhưng không gỡ nổi.

Núi Chuông được một số nhà nghiên cứu văn hoá tâm linh ngờ rằng đây là nơi các thầy pháp yểm bùa. Bởi thế trên bàn thờ đá núi ở Chuông mới đặt thanh kiếm cổ.

< Thanh kiếm cổ thứ hai.

Từ khi núi Chuông bị phá, kiểm lại tôi thấy nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngoài 3 người đã kể ở trên, người ký quyết định cho Cty Hùng Đại Dương khai thác núi Chuông, người này chỉ giữ chức vụ được nửa nhiệm kỳ thì bị cách chức, do vi phạm nguyên tắc quản lý cán bộ, không chấp hành các qui định của Đảng và Nhà nước trong xây dựng cơ bản ở một số công trình.

Còn TGĐ Cty Hùng Đại Dương Phạm Mạnh Hùng, ngày 19/2/2009 bị Công an Yên Bái khởi tố và bắt tạm giam vì tội “Vi phạm các qui định về khai thác tài nguyên” và “trốn thuế”. Người ta đồn rằng các ông này gặp phải những tai hoạ trên là do xâm hại vào núi Chuông. Tuy nhiên, đây là những lời đồn đại không có căn cứ khoa học.
Điều dễ thấy nhất là một quả núi đẹp có cả một bề dày lịch sử đã bị người ta 'ăn' gần hết rồi.

Theo Thái Sinh (Báo Nông Nghiệp VN)
Du lịch, GO!

Tan hoang núi Chuông Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment