Monday, January 12, 2015

Khám phá lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ - K1

(BNA) - Sau 4 năm đưa vào vận hành 2 tổ máy phát điện của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, hồ tích nước trên thượng nguồn sông Nậm Nơn thuộc địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã trở thành “biển hồ” rộng lớn phía miền Tây Nghệ An.

Bức tranh "sơn thủy hữu tình"

Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của mặt hồ, núi rừng ấy đã tạo nên bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Xung quanh lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ rộng tới gần 5.000 ha mặt nước này bây giờ là nơi hội tụ nhiều yếu tố để con người khám phá. Nhóm phóng viên Báo Nghệ An đã có chuyến trải nghiệm thú vị trên lòng hồ vào dịp đầu năm mới này...

Một sáng đầu năm, chúng tôi đặt chân trên bến thượng lưu của lòng hồ Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Đã quen lắm với mùa đông miền sơn cước, nhưng cái rét tê buốt hôm nay vẫn không làm tan đi bao ngỡ ngàng vui khi những ánh nắng hiếm hoi dần xuất hiện. Nắng lấp lánh trên mặt hồ phẳng lặng, óng ánh phản chiếu những mảng mây trắng xóa đủ hình thù đang ôm lấy triền đồi nối dài. Cô bạn đi cùng reo lên: “Kỳ thú quá, hùng vĩ quá!”. Thì đã hẳn! Cô bạn là người phố, mà phố thì thường chỉ làm cho người ta choáng váng bởi những mảng màu, những hình khối bê tông độc lạnh; còn cái thứ cảm xúc khoáng đạt và tự do khó gọi tên này, chỉ có thể “gặp” và “chạm” được khi ở ngay đây, vùng núi nước trải dài chân trời này thôi.

Chúng tôi cuốc bộ vòng khắp bến. Nắng mùa đông xiên nghiêng hoe vàng mái tóc cô bạn đồng hành. Những cái lều bán hàng tạp hóa, quán phở tạm bợ, chật chội, dựng bên mép đường bê tông dẫn xuống bến, bắt đầu sửa soạn bàn ghế, hàng hóa để đón khách vào. Dòng người mỗi lúc một đông, gương mặt ai cũng toát lên vẻ sốt ruột, đợi chờ. “Chờ mần chi ở đây rứa mế ơi?”- giọng phố thị “học đòi” giọng núi, hỏi khẽ người già đứng cách đó một quãng. “Chờ thuyền vô bản thôi mà, còn đằng tê, họ chờ thuyền đón cá về.” Sự chờ đợi vẻ như đã thành điều quen thuộc. Lạo xạo không gian chỉ là tiếng chuyện trò rất bé, lẫn giữa bao tiếng động xe cộ đằng xa vọng về.

Tôi nhìn kỹ từng gương mặt xung quanh. Một người đàn ông gùi một gùi hàng nặng trĩu, lèn chặt nào là mì tôm, quần áo ấm, gói kẹo xanh đỏ, lưỡi dao mới sắc lẹm... Cạnh bên là người phụ nữ quàng dải vải đỏ địu con trước bụng, bé con có lẽ chỉ vài tháng tuổi, ngủ ngật ngưỡng trong lòng mẹ. Rồi những người già ở núi, da dẻ đã hằn lên muôn vàn nếp chân chim, vẫn đỏ au như lim, táu giữa rừng. Đông nhất vẫn là đội lái buôn. Sáng nào, họ cũng tập trung về đây để chờ thuyền đánh cá qua đêm. Đội này thì dễ nhận ra, bởi vẻ tất tả bàn tính, bởi những cuộc điện thoại nhí nhoắng...

Mải lan man nghĩ ngợi, bỗng bên tai ồ lên những tiếng reo mừng. Thuyền về! Tôi láo nháo hướng mắt tập trung về phía hồ. Ánh nắng ngược chói vào mắt, mặt hồ rẽ sóng xôn xao những đoàn thuyền nhỏ bé đang xuôi dần về phía bến. Bến thượng lưu chộn rộn hẳn lên! Thuyền cập bến rồi, cơ man ăm ắp cá mương, nhảy tí tách trong lòng thuyền. Chúng tôi háo hức chạy nhoắng lên bến, ngó nghiêng bên này một tí, bên kia một tí, tự “trẻ con hóa” mình một chút vì mấy khi trúng dịp mục sở thị sự ưu đãi của lòng hồ dành cho con người như thế. Mà chẳng phải chỉ chúng tôi, cả bến nhộn lên tiếng cười nói, dẫu có người chẳng phải bán buôn gì. Ồ thuyền bé mà trĩu đáy thủy sản. Có những thuyền may mắn đánh được cá rô phi to bằng 2 bàn tay, rồi cá trôi, trắm, chép... nặng tới 3 - 4 kg. Loáng thoáng tiếng trả giá sát sạt: “Trắm này lấy buôn 100 nghìn/ kg nhé!” Rồi bĩu môi “chê” đắt, rằng cá còm chẳng mấy giá... Cánh lái buôn với chủ thuyền cứ thế làm rộn rịp cả bến thượng lưu.

Vẻ bình lặng hơn sau những háo hức hiếu kỳ ban đầu, là những người dân bản địa tiến về phía các thuyền chở người. Ai đi đâu, về đâu, đều được chủ phương tiện đưa lên thuyền, mặc áo phao cẩn thận trước khi thuyền ngược lòng hồ. Mỗi chiếc thuyền cập bến là đồng bào các dân tộc kèm theo nhiều bao bì đựng lâm sản phụ từ núi rừng ra bán cho lái buôn. Có tiền, bà con bước lên những chiếc xe khách loại nhỏ, ra chợ Hòa Bình mua sắm đồ dùng. Chúng tôi tìm đến vợ chồng ông Toàn bà Hoàn, là người bản địa, chuyên buôn bán hàng hóa ở đây từ khi lòng hồ tích nước, bởi vậy, việc buôn bán ở bến này gần như hoàn toàn do vợ chồng bà làm chủ. Bà Hoàn vóc người thấp đậm, nước da trắng, luôn nở nụ cười tươi trên khuôn mặt phúc hậu và khá nhanh nhẹn trong việc buôn bán.

Trong cái quán nhỏ thưng bằng tấm liếp nứa của ông bà có nhiều lâm sản phụ chất đống sau những ngày thu mua của bà con. Bà Hoàn cởi mở: Mùa nào thứ ấy, nào hạt bo bo, nấm rừng (giống nấm linh chi), bông đót, măng khô... bà con hái từ rừng sâu về, vận chuyển ra đến đây, bà thu mua hết. Bao nhiêu vốn liếng, bà dồn vào đây để buôn bán kiếm lời, cũng là tạo điều kiện cho bà con vùng trong có nguồn thu nhập. Vợ chồng bà Hoàn còn có cái quán bán hàng tạp hóa trên xà lan, neo cố định dưới bến, làm nơi buôn bán trao đổi hàng hóa hàng ngày. Hàng hóa có nước giải khát, bánh kẹo, mì chính và một số hàng hóa khác... phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho đồng bào vùng trong. Nhiều chủ quán bán lẻ trong bản sâu, hàng ngày chạy thuyền ra mua sỉ của bà để kịp về phục vụ bà con.

Chúng tôi “nháy” nhau “đánh” một tô mì tôm trứng gà hôi hổi trước khi dấn bước vào hành trình lòng hồ kỳ bí. Ai đã nói “có thực mới vực được đạo”, quả đúng lắm! Nhất là cái hồ Thủy điện Bản Vẽ này, khi vừa trình bày dự định khám phá một “tour” thật hẳn hoi, các anh lãnh đạo huyện Tương Dương đã “bật mí” về cái sự lạnh giá và rất nhiều điều bí ẩn, ít người biết đến. Thông tin cơ bản thì ở đó, ngoài nhiệm vụ chính là cung cấp điện năng cho quốc gia với công suất 320 MW, mặt sông còn là tuyến giao thông đường thủy rất thuận lợi. Trước đây, khi chưa có công trình Thủy điện Bản Vẽ, giao thông đường thủy từ Thị trấn Hòa Bình vào Mai Sơn phải mất 12 giờ đồng hồ, vượt qua bao thác ghềnh, hõm xoáy nguy hiểm. Từ khi lòng hồ tích nước, từ bến thượng lưu đến xã Mai Sơn chỉ mất 5 tiếng đồng hồ, thuyền lướt băng băng trên mặt nước rộng phẳng lặng, an toàn. Ấy là chưa kể đến tiềm năng để phát triển kinh tế bằng nuôi cá lồng, chăn nuôi trang trại dọc hai bên lòng hồ...

Trên diện tích gần 5 nghìn ha mặt nước của lòng hồ, hiện nay đã có một số người dân được sự hỗ trợ của nhà nước, làm lồng nuôi thí điểm các loại cá đặc sản: cá lăng, cá bọp, cá chiên. Ngoài ra, hồ còn là nơi để cư dân hành nghề đánh bắt thủy sản bằng cách thả lưới, câu, cung cấp thực phẩm tươi sống, chất lượng cao cho người tiêu dùng trên địa bàn miền núi này. Hồ không có ốc đảo, nhưng hai bên lòng hồ đã có những người chọn được vị trí tự nhiên thuận lợi để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng kinh tế trang trại, ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, còn tạo điểm nhấn cho khách du lịch dừng chân tham quan.

Nhìn ra mặt hồ mênh mông, chúng tôi ánh lên niềm tin về tiềm năng dồi dào du lịch sinh thái, khi mênh mang dọc hai bên hồ là ngút ngát rừng nguyên sinh và những hang động, những mỏm đất nổi lên sau bao biến động tầng địa chấn... Đi thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ kì vĩ, ta được ngắm cảnh sông nước, mây trời, được dừng chân thưởng thức những món cá nướng được đánh bắt từ hồ, thơm lừng bên nếp nhà sàn của đồng bào Thái, Khơ mú. Trong suốt chiều dài của lòng hồ, chúng ta còn được dừng chân ở 8 bản là đồng bào Thái, Khơ mú, Mông của 4 xã: Lượng Minh, Nhôn Mai, Hữu Khuông và Mai Sơn. Ở đó, đồng bào các dân tộc còn lưu giữ nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt vải... Đặc biệt, nếu ngược lên xã Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn, chúng ta sẽ bắt gặp nghề truyền thống đóng mới và sửa chữa thuyền 3 lá của đồng bào các dân tộc, là phương tiện chính dùng để vận tải hành khách trên lòng hồ từ trước đến nay.

Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Tương Dương, hiện nay, trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, luôn có từ 60 - 70 chiếc thuyền 3 lá, gắn máy công suất từ 18 - 24 mã lực, làm nghề vận chuyển khách ngược xuôi. Những người làm nghề lái thuyền ở đây đều là người bản địa, hầu hết đã được cấp chứng chỉ lái thuyền, trên thuyền còn được trang bị áo phao cứu sinh. Chưa kể, trên hồ còn có khoảng 50 chiếc thuyền dân sinh, dùng để vận chuyển hàng hóa, đánh bắt cá. Dọc hai bên lòng hồ, ta còn được dừng chân ngắm nhiều vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ: hang Thằm Nặm, Thằm Kèo ở Hữu Khuông, hay đến bản Pủng, xã Nhôn Mai có thể khoát bàn tay xuống khe nước nóng.

Nếu có thời gian, khách du lịch có thể ở lại với đồng bào Thái, Khơ mú còn lưu giữ được các bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo ở Huồi Tố, xã Mai Sơn. Với những thế mạnh về cảnh quan, ẩm thực đó, năm 2011, UBND huyện Tương Dương đã lập Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó lấy lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ làm điểm nhấn...

Nghe vậy, càng làm chúng tôi thêm háo hức. Sau một đêm ngủ trên bến thượng lưu của lòng hồ, chúng tôi bắt đầu một cuộc hành trình dài ngày trên chiếc thuyền 3 lá, rẽ sóng đến với những điều kì bí, hoang sơ và cộng đồng các dân tộc để khám phá, mang đến cho bạn đọc một góc nhìn mới, sinh động trong lòng “biển hồ” này.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2

Theo Hoàng - Chi (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!

Khám phá lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ - K1 Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment