Friday, October 16, 2015

Lên đỉnh Kinabalu lúc rạng sáng

(Giải trí) - Bước từng bước một trong đêm tối, vươn từ từ đôi tay đôi chân để đến với cột mốc 4.095 m, nhấm nháp chậm rãi những thời khắc đêm qua ngày đến, bạn sẽ có được niềm vui tột đỉnh khi một lần đón bình minh trên nóc nhà Đông Nam Á.

< Đỉnh Kinabalu nhìn từ độ cao 2.000 m.

Ngày lại ngày, chúng ta đón tia nắng đầu tiên của ngày mới nhàm chán đến mức chẳng còn nhớ màu sắc nó ra sao, có đến kèm với âm thanh gì không hay chỉ đơn điệu như một ngọn đèn nê-on, bật rồi tắt, tắt rồi bật. Chẳng có gì thú vị để nghe ngóng, chờ đợi và chào đón khi bình minh của mỗi ngày mới là một ngày cuồn cuộn với chuyện mưu sinh.

Nhưng đâu có ai bắt bạn phải cứ ngày lại ngày đón những buổi bình minh tẻ nhạt như thế, hãy thử xê dịch vài chục đến vài ngàn ki lô mét xem bình minh ở nơi khác có gì lạ không. Nếu khi đó bình minh vẫn mang đến một thông điệp cũ “một ngày nữa lại bắt đầu” thì thay vì xê dịch theo chiều ngang, bạn thử thay đổi với chiều thẳng đứng xem sao! Tôi chắc chắn khi đó mọi thứ sẽ khác. Khi đó, ánh mặt trời đầu tiên lóe lên vũ trụ bao la không chỉ bắt đầu một ngày mới mà có khi bắt đầu một giai đoạn sống mới và có khi là cả một cuộc đời mới. Dulichgo

Xê dịch theo chiều thẳng đứng, nói cho có vẻ kiêu thế thôi, đó chỉ đơn giản là leo núi. Tôi đã từng đón bình minh trên núi Bà Đen (Tây Ninh), Hòn Bà (Khánh Hòa), Bidoup (Lâm Đồng). Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi cảnh trí và cảm xúc riêng. Nhưng cho đến khi đón ngày mới trên đỉnh Kinabalu (Malaysia) tôi mới cảm nhận hết cái ý nghĩa của hai chữ bình minh.

Kinabalu cao 4.095 m, được xem là ngọn núi cao nhất Đông Nam Á. Để chinh phục ngọn núi này, chúng tôi mất 2 ngày, 1 đêm. Ngày đầu tiên, chúng tôi đặt chân đến trạm dừng chân ở độ cao khoảng 3.200 m lúc 5 giờ chiều. Với cách làm du lịch chuyên nghiệp, Malaysia xây hẳn một khu nhà nghỉ với đầy đủ tiện nghi để những người leo núi có thể ăn uống, ngủ nghỉ tốt nhất nhằm phục hồi sinh lực cho ngày chinh phục đỉnh.


< Dòng người di chuyển trong đêm đen để chinh phục nóc nhà Đông Nam Á.

Hai giờ, khi trời lạnh căm căm và tối mịt, chúng tôi cùng hàng chục người leo núi khác đã lục tục thức dậy ăn lót dạ để chuẩn bị lên đường. Với đèn pin trên trán, không biết vì mệt hay vì còn ngái ngủ mà không ai nói với ai câu nào, đoàn người lặng lẽ hì hục xé màn đêm tiến lên.

Từ độ cao 3.500 m lên đến đỉnh hầu như không có cây cối gì mà chỉ toàn là đá, một khối đá khổng lồ. Trời tối nên chẳng ai thấy đỉnh núi ở đâu, vũ trụ bây giờ chỉ có đá dưới chân và bóng đêm dày đặc bao quanh.

Gió rét run, đôi chân rã rời, đầu óc quay cuồng vì thiếu ngủ và ô xy do độ cao, tôi cắm mặt bước đi mà tự hỏi mình đang làm gì ở đây - nơi xứ lạ quê người, nơi núi non hiểm trở - và bất giác cảm thấy cô đơn, mệt mỏi bao trùm đến mức nước mắt chỉ chực ứa ra.


< Tia nắng mặt trời lóe lên trên đỉnh Kinabalu.

Để ngăn cơn buồn tủi, tôi ngước lên hít một hơi dài để lấy tinh thần và bất chợt ngỡ ngàng khi nhìn thấy dải ngân hà vắt ngang một bầu trời ken đặc sao. Và bên dưới bầu trời lấp lánh đó là một dải đốm sáng trải dài, nhấp nhô, rồng rắn chuyển động từng chút một như hòa lên một nhịp khúc trầm hùng.

Dải ánh sáng đó được tạo nên bởi những ánh đèn pin mà đoàn người leo núi đeo trên đầu. Bạn tôi nói: “Nhìn cái đốm sáng đầu tiên đi, khi nào họ dừng lại thì biết tới đỉnh”. Nhưng cái đốm sáng đầu tiên đó vẫn đang chuyển động và cách chúng tôi xa tít tắp. Dù vậy, mọi mệt mỏi, bi quan trong tôi tan biến, tôi thở hắt một hơi và thay vì cắm mặt, tôi ngẩng cao đầu bước tiếp theo cái dải ánh sáng huyền diệu đó. Dulichgo

Càng lên cao dốc càng đứng. Để bảo đảm an toàn, người ta thòng một sợi dây thừng để du khách nắm lấy đu lên từng chút một. Nhưng dù có sợi dây hỗ trợ, đi khoảng 5 bước là chân tôi như muốn khụy xuống, hơi thở như sắp đứt trong cổ.


< Đỉnh Kinabalu nhìn từ độ cao 4.000 m.

5 giờ, đêm nhạt dần cùng những vì sao và ở đằng đông, đường viền đen thẫm của những khối đá khổng lồ, nhọn hoắc từ từ hiện ra trên nền trời ửng hồng. Dải đèn vẫn nhấp nhô một cách gấp rút hơn giục đôi chân tôi nhanh nhanh bước.

Càng gần đến đỉnh, trời sáng dần khiến ai nấy càng khẩn trương hơn bởi chỉ cần chậm một chút thôi thì mặt trời sẽ đến đỉnh trước mình mất, như vậy coi như bao nỗ lực của nhiều tiếng đồng hồ đi tong.

5 giờ 45 phút, tôi đặt chân lên đến đỉnh. Ngồi phịch xuống phiến đá, tôi hết xoa chiếc mũi đã tê cứng vì lạnh đến bóp cho đôi bắp chân suốt 4 tiếng đồng hồ làm việc quá sức. Cái lạnh 10 độ C cộng với sự mệt mỏi làm tôi nghe người váng vất chỉ muốn nằm xuống đâu đó đánh một giấc quên trời quên đất.

Bất chợt, tôi như nghe thấy một tiếng gì đó chợt vút lên trong không trung, tôi thấy mặt mình bỗng bừng lên, tôi quay đầu nhìn lại hướng đông và chỉ kịp reo lên "Trời ơi, mặt trời lên rồi kìa”.


< Nụ cười của những người chiến thắng trên đỉnh Kinabalu.

Tôi không nhớ rõ mình và những người bạn đã vui như thế nào, đã bất chấp cái lạnh tê tái cởi cả áo khoác ra để chụp hình ra sao, tôi chỉ nhớ cái khoảnh khắc những tia nắng đầu tiên vượt khỏi đường chân trời, vươn ra khỏi đám mây xám xịt đó có cái màu rất đẹp: Hồng như lửa, vàng như mật và sáng như gương. Nó làm bừng sáng những phiến đá xám xịt; làm những bộ mặt phờ phạc, tái ngắt bỗng tràn đầy sức sống và làm những khuôn miệng cười trở nên đẹp đẽ hơn bất cứ thời khắc nào trong đời.

Cái khoảnh khắc chỉ kéo dài độ 5-10 phút đó không chỉ xua tan bao nhiêu mệt mỏi của một ngày leo trèo mà còn xua đi bao nhiêu buổi bình minh tẻ nhạt mà người ta thức dậy với câu hỏi hôm nay mình phải làm gì, đối mặt với chuyện gì, chiến đấu với cái gì cho cuộc đời bé mọn này.

Đứng trên đỉnh Kinabalu, nhìn mây trời bao la, nhìn đá nối tiếp đá trải dài vô tận, nhìn những vệt nắng soi rọi từng nụ cười, ánh mắt của những con người mê chinh phục đỉnh cao, tôi bỗng muốn cười thật to, muốn cất cao tiếng hát và muốn ôm ai đó thật chặt. Cái cảm giác ước muốn quá nhiều đó làm trái tim bỗng đập rộn ràng như được thay dòng máu mới, làm bước chân bỗng nhẹ tênh dẫu đường xuống núi và con đường đời trước mắt còn lắm gian nan.

Cuộc đời là những chuỗi ngày dài vô tận với mặt trời lặn đằng Tây rồi lại mọc lên ở đằng Đông. Nhưng nếu một lần bước từng bước một trong đêm tối trên ngọn núi Kinabalu hùng vĩ, vươn từ từ đôi tay đôi chân để đến với cột mốc 4.095 m, nhấm nháp chậm rãi những thời khắc đêm qua ngày đến để rồi vỡ òa với ánh mặt trời lóe lên ở đằng Đông, bạn sẽ ngộ ra rằng chuỗi ngày đó không hề giống nhau mà mỗi ngày là một âm sắc riêng biệt mà bản thân mỗi chúng ta phải tự tìm tòi, khám phá bằng chính sức lực của mình.

Theo Hà Giang (Người Lao Động)
Du lịch, GO!

Lên đỉnh Kinabalu lúc rạng sáng Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment