(QBO) - Có lẽ trên dải đất miền Trung này, không có con đường nào lại mang trên mình những chứng tích lịch sử như tuyến đường 12A trải dài từ thị xã Ba Đồn đến Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nơi miền biên viễn Việt-Lào. Ở đó, dưới mỗi mạch ngầm của từng thớ đất đang gìn giữ hàng triệu bước chân người Việt với những câu chuyện truyền kỳ như là cổ tích...
1. Những ngày đầu năm mới, trong tiết trời se lạnh sang xuân, chúng tôi đã có cuộc hành trình theo đường 12A băng qua Ba Đồn, Tuyên Hóa, Minh Hóa đi tìm lại những kí ức về con đường lịch sử này. Những người trẻ như chúng tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã thống nhất nhưng câu chuyện về đường 12A huyền thoại băng qua các miền đất đã in dấu những bước chân của cha anh ngày trước vẫn có sức cuốn hút đến kỳ lạ.
Ở những nơi này, các bậc tiền nhân đã để lại biết bao dấu tích khai phá miền đất mới; rồi có biết bao chàng trai, cô gái TNXP không quản mưa bom bão đạn của quân thù gìn giữ giao thông thông suốt cho những đoàn xe ra tiền tuyến... Bởi vậy, đường 12A không chỉ đơn thuần là một con đường kết nối hành lang kinh tế đông-tây của tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới, mà ở đây mỗi tấc đất đều gắn bó với tên người trên mọi miền đất nước. Dulichgo
Lịch sử ngành giao thông vận tải Quảng Bình chép rằng, đường 12A được mở ra từ thời Pháp thuộc khi giới tư bản chính quốc tìm thấy nguồn tài nguyên phong phú ở vùng Trung Lào. Do vậy, để khai thác phần của cải dồi dào này, bên cạnh tuyến cáp treo “không trung thiết lộ”, chính quyền thuộc địa đã huy động hàng chục nghìn lượt người Việt với hàng triệu ngày công xẻ núi, băng đèo xây dựng 70km đường từ ga Tân Ấp (Hương Hóa, Tuyên Hóa) lên biên giới Việt-Lào rồi vượt dãy Trường Sơn kết nối với tuyến 12 ở thị xã Thà Khẹt (Khăm Muộn). Chính vì vậy, ngoài Quốc lộ 1, không có tuyến đường nào trên mảnh đất Quảng Bình lại có bề dày lịch sử như đường 12A.
2. Khi đất nước bước vào cuộc trường chinh vệ quốc, con đường 12A lại mang trên mình trọng trách với đồng bào miền Nam ruột thịt, đó là khi Quốc lộ 1 và đường 15 bị chặn lại bởi dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 và hàng rào điện tử Mcnamara. Đường 12A trở thành con đường thể hiện ý chí kiên cường của quân và dân miền Bắc khi đối đầu với không quân Mỹ để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa, khí tài, nhân lực ngược lên miền tây Quảng Bình vòng qua Lào rồi vào chiến trường miền Nam.
< Đường 12A đoạn qua cầu Cha Quang, xã Dân Hóa.
Ông Trần Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Quảng Bình bồi hồi nhớ lại, do bị thua đau trên chiến trường miền Nam nên tháng 2-1965, Mỹ mở chiến dịch “Sấm rền” với âm mưu dùng không quân đánh phá liên tục, dữ dội miền Bắc.
Là tuyến đầu của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nên quân và dân Quảng Bình khẩn trương bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Và để đối phó với không quân Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải, ngoài việc sửa chữa các bến bãi, cầu phà, làm thêm các đường vòng, đường tránh, cũng thời gian này lực lượng TNXP Quảng Bình được thành lập mang mật danh Đội N73 và Đội N75. Dulichgo
Trong khi lực lượng TNXP N73 phục vụ ở đường 15 với các trọng điểm ác liệt đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, làng Ho, phà Xuân Sơn... cùng hình tượng quả cảm của Anh hùng Lao động Đinh Thị Thu Hiệp thì TNXP N75 gồm 9 đại đội (từ 751 đến 759) “phá đá mở đường” và bảo vệ từng cung đoạn trên tuyến 12A.
Bà Trần Thị Thành, nguyên Chính trị viên Đại đội 759 TNXP kể lại, ngày 6-5-1965, 180 TNXP “mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn” của huyện Tuyên Hóa từ giã miền quê yêu dấu lên đường cứu nước rồi được biên chế trong đội hình C759 để bổ sung cho công trường 12A với nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đoạn đường 10km từ Khe Cấy đến Bãi Dinh.
Trong những ngày “mưa bom, bão đạn” đó, dù cuộc sống vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng C759 vẫn kiên cường bám đường để “cho xe thẳng tới chiến trường” với ý chí đã trở thành bất tử “Địch đánh rừng già, ta ra rừng non/Địch đánh rừng non, ta ra đồi trọc/Địch đánh đồi trọc, ta ra bám đường”. Và ở C759 đã xuất hiện nhiều tấm gương được lưu danh cùng sử sách, đó là chị Trần Thị Thành dũng cảm đứng trên quả bom nổ chậm để đồng đội yên tâm san lấp mặt đường và trở thành hình ảnh trong bài thơ “Người ngồi trên bom nổ chậm” của nhà thơ Xích Bích; anh Trần Đức Hè lăn quả bom nổ chậm sau một trận đánh, về sau được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Nhưng bi tráng nhất là sự kiện 7 chiến sĩ bị vùi lấp ở Km21 (nay là Km121-NV) đồi Cha Quang vào ngày 3-7-1966 để rồi trong tâm thức đồng đội C759, quả đồi thoai thoải bên đường 12A mãi mãi mang tên Đồi 37 anh hùng. Hiện nay, mỗi lần xuôi ngược trên đường 12A, chúng ta có thể thấy ở địa điểm này có một Nhà bia tưởng niệm và cũng là Di tích lịch sử cấp quốc gia để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngoài Đồi 37, đường 12A còn là nơi in dấu các địa danh Cổng Trời, Mụ Giạ, Bãi Dinh, Khe Ve, La Trọng, trận địa pháo phòng không của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân, Binh trạm 12... Chính vì những công lao to lớn của lực lượng TNXP, nên lúc sinh thời người Anh Cả của quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lời đánh giá về lực lượng TNXP: “Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội vì trong phẩm chất của thanh niên xung phong có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.
3. Ngày nay, Quốc lộ 12A tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình, vì với chiều dài gần 150km tuyến đường trở thành mạch máu giao thông quan trọng kết nối Quảng Bình-Khăm Muộn và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan trong tiến trình hội nhập phát triển kinh tế. Đặc biệt là sau khi được nâng cấp mở rộng, tuyến đường cùng với Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo trở thành nơi phát triển thương mại, dịch vụ như là sự tiếp nối, tri ân những người đi trước mở đường và là điểm tựa cho đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng. Dulichgo
Anh Nguyễn Văn Dinh, Phó đại diện Ban quản lý tại Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo cho biết, thời gian gần đây, với những chính sách thông thoáng tạo được môi trường thuận lợi nên Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm phát triển thương mại, dịch vụ trong khu vực này. Hàng năm, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đều mang lại những tín hiệu vui, như năm 2014 chẳng hạn, lưu lượng hàng hóa qua cửa khẩu đạt trên 2 triệu tấn, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1.500 triệu USD, phương tiện xuất nhập cảnh trên 65 nghìn lượt, gần 500.000 nghìn lượt người xuất nhập cảnh, thu thuế đạt trên 200 tỷ đồng...
< Xe qua cửa khẩu Cha Lo.
Những con số tưởng chừng như khô khan này nhưng lại là một minh chứng hết sức thuyết phục về định hướng phát triển kinh tế-xã hội ở địa bàn miền tây xa ngái của tỉnh, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay. Đường 12A, với sứ mệnh mới của mình đã nối liền hai miền xuôi, ngược để đồng bào cả tỉnh, cả nước và nước ngoài có thể giao thương buôn bán thuận lợi trong một khung cảnh bình yên, xóa nhòa khoảng cách về địa lý.
Đường 12A trong mùa xuân mới lại có tâm thế của một con đường dạn dày trong lịch sử để tiếp tục gánh vác trọng trách giữ lấy những nét văn hóa trầm mặc của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dưới tán rừng đại ngàn Trường Sơn; cũng như nâng tầm những bước chân khai phá vùng đất này nhằm phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục tạo dựng cho miền phên dậu phía tây của tỉnh nhà một thế đứng vững chãi hơn.
Theo Trần Minh Văn (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!
Thursday, January 8, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment