Thursday, March 5, 2015

Du xuân vãn cảnh ở 10 thiền viện đẹp nhất nước

Hầu hết thiền viện ở Việt Nam được xây trên sườn đồi, núi với lối kiến trúc ấn tượng, rộng rãi khiến du khách được tĩnh tâm, thư thái.

1. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc)

Tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được biết đến là một trong ba thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (chùa Tây Thiên, đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, đền Cô, đền Cậu, đền Thõng, thác Bạc). Thiền viện mang lối kiến trúc chùa Việt Nam đương đại với cổng Tam quan, những họa tiết, chi tiết điêu khắc tinh tế, sắc sảo.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên bắt đầu được xây dựng từ ngày 4/4/2004 và hoàn thành vào ngày 25/11/2005 với kinh phí 30 tỷ đồng. Cho đến thời điểm hiện tại, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đang giữ kỷ lục là thiền viện được xây dựng nhanh nhất với kinh phí thấp nhất. Có được kết quả này là nhờ sự góp sức của người dân cùng các thợ thủ công, các làng nghề. Dulichgo

2. Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội)

Cùng là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Sùng Phúc nằm tại phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Thiền viện được tu sửa và khánh thành vào năm 2005 dưới sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân thôn Xuân Đỗ Thượng cùng chính quyền các cấp. Thiền viện nguy nga hai tầng, với tầng trên là Chánh điện, tầng dưới là nhà Tổ, một dãy nhà khách và nhà Tăng đã được hoàn thành trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể tăng, ni và phật tử khắp mọi nơi.

Thiền Viện Sùng Phúc không chỉ là nơi tu tập của các phật tử lớn tuổi mà tại đây còn là nơi tu tập và sinh hoạt của thanh thiếu niên đủ mọi lứa tuổi. Hằng tuần, mỗi chiều thứ bảy có khoảng 150 phật tử khắp nơi trong thành phố thường xuyên về thực tập tọa thiền và nghe pháp.

3. Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Quảng Ninh)

Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm được xây dựng trên nền chùa Phúc Linh có từ thời Trần, cách đây hơn 700 năm. Đây là thiền viện Ni trong tông môn thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Chỉ cách trung tâm thành phố 30km, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm còn được gọi là chùa Cái Bầu được xây trên tổng diện tích 20 ha và đã hoàn thiện giai đoạn một gồm: Thiền viện - Chánh điện cao hai tầng rộng 6.000 m2, cổng tam quan, nhà tổ, lầu chuông, nhà khách chư tăng - chư ni, bến bãi đỗ xe. Dulichgo

Nơi đây được đánh giá cao về kiến trúc cũng như cảnh quan. Từ trên chùa, du khách có thể phóng tầm mắt ra Vịnh Bái Tử Long để chiêm ngưỡng đảo núi đá trập trùng giữa biển cả bao la, những con thuyền rẽ sóng ra khơi và tận hưởng những làn gió mặn mòi từ khơi xa mang lại. Quang cảnh trời nước tuyệt đẹp nơi đây sẽ đem lại cho du khách cảm giác bình yên, thanh thản, trải lòng với thiên nhiên khi vãn cảnh chùa.

4. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh)

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử còn được gọi là chùa Lân, thuộc thôn Nam Mâu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi chùa được vua Trần Nhân Tông xây dựng vào năm 1923. Chùa nằm trên quả đồi có hình dáng một con lân đang nằm phủ phục, đường vào chùa với những bậc thang dài, hai bên có nhiều tháp mộ các nhà sư.

Ngay trước sân thiền viện có đặt một quả cầu "Như ý báo ân Phật tổ" bằng đá hoa cương đỏ, bên ngoài là bể nước hình bát giác với tám bồn hình cánh hoa bao quanh tượng trưng cho bát chính đạo. Quả cầu này được trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác định là quả cầu Như ý lớn nhất Việt Nam.

Các công trình chính của chùa gồm chính điện, nhà thờ Tổ, lầu trống, lầu chuông, nhà tăng, La Hán đường... Đặc biệt, chùa có tượng đồng Thích Ca Mâu Ni nặng gần 4 tấn và tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng gỗ dáng hương nặng khoảng 3,2 tấn. Đến với thiền viện, bạn như lạc vào cõi thanh tịnh mà không nơi nào có được.

5. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên Huế)

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là thiền viện thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử đầu tiên được xây ở miền Trung. Tọa lạc tại địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây được coi như một thắng cảnh mà ai đến Huế cũng muốn ghé thăm. Hiện nay đã hoàn thành gồm 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ khác.

6. Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt - Lâm Đồng)

Cũng thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện là một công trình kiến trúc độc đáo bên cạnh hồ Tuyền Lâm, nằm trên núi Phụng Hoàng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km. Thiền viện thu hút khách với vẻ uy nghiêm của một ngôi chùa, không gian thoáng đãng và những thảm hoa rực rỡ khoe sắc. Một ý tưởng khác cho những du khách thích khám phá là có thể tham gia đăng ký tour chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Tuyền Lâm hay khám phá Đà Lạt từ trên cao với hệ thống cáp treo nối đèo Robin với thiền viện. Dulichgo

7. Thiền viện Vạn Hạnh (Đà Lạt - Lâm Đồng)

Nằm ngay trong trung tâm thành phố Đà Lạt, thiền viện nổi tiếng với bức tượng tượng "Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu" ngoài trời. Đây không chỉ là nơi tôn nghiêm dành cho tăng ni, phật tử, khách thập phương đến chiêm bái hành hương mà còn được xem là một trong những công trình văn hóa độc đáo thể hiện nét kiến trúc đặc thù của Phật giáo.

8. Thiền viện Thường Chiếu (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đây là một trong những trung tâm thiền học lớn thuộc dòng Thiền Trúc Lâm do Hòa thượng Thích Thanh Từ khởi xướng vào cuối thế kỷ XX. Du khách sẽ được đi trên những con đường rải đá thẳng tắp xung quanh là khu vườn điều cổ thụ xanh um tỏa bóng mát. Với địa thế đẹp, thuận tiện đường giao thông cho du khách tham quan, thiền viện là một điểm du lịch nổi tiếng ở Vũng Tàu thu hút phật tử bốn phương tụ hội về.

9. Thiền viện Quảng Đức (TP HCM)

Đây là thiền viện được hòa thượng Thích Thiện Minh thành lập vào năm 1964 để làm nơi tu học cho các tu sĩ thuộc phái Bắc tông. Thiền viện tọa lạc tại số 294 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP HCM với kiến trúc và bài trí trang nghiêm.

10. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ)

Đây là thiền viện lớn nhất miền Nam với tổng diện tích hơn 38.000 m2. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trong khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, thành phố Cần Thơ.

Khuôn viên thiền viện được bày trí các gian nhà rất cân đối cùng sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc ngói mái nhà Trần và phong cách Lý triều. Đặc biệt, ngoài tượng Phật Thích Ca bằng đồng, toàn bộ hệ thống tượng thờ tại đây đều bằng gỗ thủy tùng.

Theo Timeout Viet Nam
Du lịch, GO!

Du xuân vãn cảnh ở 10 thiền viện đẹp nhất nước Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment