Tuesday, March 3, 2015

Một ngày ở phiên chợ Nủa

Nằm trên một doi đất giữa cánh đồng lúa, vào những ngày không phải phiên, chợ Nủa làm người ta liên tưởng đến những lều quán của một phim trường có bối cảnh của những năm đầu thế kỷ 20, hơn là chốn hội họp trao đổi buôn bán của cả một vùng dân cư trù phú trong thế kỷ 21 này. Dulichgo

Chợ phiên bây giờ chẳng còn nhiều nữa. Cũng dễ hiểu bởi khi hàng hoá được chuyển đến tận tay người tiêu dùng thì ai cần nhọc nhằn chờ đợi dăm bữa, nửa tháng mới đến được một buổi chợ phiên để mua. Ấy vậy nhưng dù hàng hoá có đổi thay, trang phục của người đi chợ có biến chuyển, thì cứ như từ muôn đời để lại, chợ Nủa (Thạch Thất - ngoại thành Hà Nội) đều đặn một tháng 6 phiên họp vào ngày 2, ngày 7 (mùng 2, 12, 22, mùng 7, 17, 27).

Về quê, đứa bạn rủ: Mai chợ phiên, chở giúp tao xuống Nủa mua đôi lợn giống. Vậy là, háo hức cả một đêm chờ trời sáng.

Quê tôi chỉ cách chợ Nủa hai quãng đồng và một cái làng nhỏ, tính đường chim bay ước chừng hơn 3km, tháng rộng ngày dài, vậy mà 6g sáng, cô bạn đã í ới ngoài cổng. Cô bạn nóng ruột để chọn được đôi lợn ưng ý. Tôi nóng lòng mong tìm được một chút hồi ức đang dần mai một. Nhưng cũng chẳng phải chỉ có chúng tôi nóng lòng, trên con đường đất còn phảng phất mùi sương đêm, những bà, những cô - người kẽo kẹt quang gánh, người thồ xe, người xách bu gà, người cắp chiếc rổ không... cũng đang lũ lượt đổ về chợ.

Xe vừa được yên chỗ, bạn tôi đã dáo dác hướng mắt về phía cuối chợ, còn tôi, tôi bị mê hoặc ngay bởi dãy hàng cây giống bày ngay sát lối đi.

Cũng đủ cả cây hoa, cây rau, cây ăn quả. Thậm chí cả những cây cảnh có dáng, có thế kỳ công cũng xuất hiện tại đây. Tôi hỏi một cây hoa sao tròn xoe như mâm xôi, chi chít nụ, anh bán hàng nói 7 nghìn, tôi trả 5 nghìn. Anh gật đầu và nở nụ cười tươi rói lấy túi buộc cây trao cho tôi.
Bên cạnh tôi, một chị đang nâng lên đặt xuống cây cau bé tí. Chị bảo: “Mẹ chồng em cứ dặn đi dặn lại là đi chợ thì mua cho ta cây cau. 80 tuổi rồi mới trồng cau, chẳng biết có được ăn không, nhưng bà đã bảo, chả lẽ chả mua?” Chị đưa cho người bán hàng tờ 10.000đ, hý hửng cầm món quà nghĩ sẽ làm đẹp lòng mẹ chồng.

Một bà cụ đi ngang qua, nghe được câu chuyện của chị, góp lời: “Mua cây đấy thì bao giờ cho ra quả.” – “Chú í bảo cau lùn” - chị nhìn người bán cau phân trần. “Mua cau phải chọn gốc – cây nhỏ thì nhỏ, nhưng gốc phải to” – bà cụ thủng thẳng đáp rồi đi. Chị mua cau quầy quả: “Đổi cho em, mua vụng về bà chửi chết.” Anh bán hàng cươì hiền từ: “Lùn thì tôi bảo lùn. Ai lại đi lừa. Gốc to thế còn muốn to thế nào nữa.” Rồi xếp riêng những cây cau ra ngoài cho chị thoải mái lựa chọn.

Bỏ lại dãy hàng cây, chúng tôi vào chợ. Thật là lạ, khi hàng quán đã về đến tận thôn, xóm, thậm chí có những chủ hàng nhanh nhảu còn đưa hàng đến rao tận ngõ thì chợ Nủa vẫn đắt hàng mỗi khi mở phiên. Chẳng khác bất kỳ cái chợ nào, chợ Nủa có đủ chủng lại hàng hoá, từ hàng tươi đến hàng khô, từ hàng công nghiệp đến nông sản, từ đồ dùng đến thức ăn... Dulichgo

Đặc biệt hơn, bao nhiêu năm rồi chợ Nủa vẫn như vậy, chỉ có người bán hàng là không thể như cũ, còn chủng loại hàng hoá, đến cả vị trí của từng loại hàng vẫn chẳng có thay đổi gì. Cổng chợ là bà bán bánh rán, kẹo bột, bỏng gạo. Dường như vì chẳng mấy người đến chợ mua quà trước khi vào, nên bà chọn phía bên trái lối đi vào để ngồi. Kế tiếp hàng bánh tro, bánh tẻ... Nếu hàng quà vặt đặt ngay ở lối đi vào thì hàng bán đồ ăn nhanh như bún, phở... lại nằm khá kín đáo trên mô đất cao ráo nhất ở mãi gần cuối chợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thứ hàng thời thượng thì chợ Nủa cũng vẫn còn những thứ hàng mà dường như chính nó mới góp phần làm nên hồn cốt của chợ.

Ngay bên lối đi chính, ngay bên cạnh hàng bán đồ nhôm sáng choang, tôi giơ máy chụp hình ảnh cóc cáy của một bác thợ gò hàn. Thấy ánh dèn Flast, bác ngẩng lên nhìn. Mặt tỏ vẻ khó chịu, nhưng rồi lại giãn ra ngay, nhoẻn cười. Tôi cũng cười đáp lại. - Người quen mà. Bác này cũng người tổng Nủa. Công việc của bác là đánh chìa khoá, chữa khoá, hàn xong nồi, ấm, chảo... Ngày xưa, vì chợ làng tôi họp buổi chiều, chẳng trùng thời gian với bất cứ phiên chợ nào trong vùng, nên bác vẫn thường đến làng tôi, ngồi ở một góc chợ cần mẫn làm việc.

Ấy vậy mà chẳng hiểu sao, người làng tôi vẫn thích mang đồ đến chợ Nủa để nhờ bác sửa hơn. Dường như tâm lý của người nông dân là bất cứ việc gì phải bỏ ra nhiều công sức hơn thì kết quả thu về cũng tốt hơn. Chữa một cái khoá, hàn một cái ấm cũng chỉ dăm, ba nghìn. Chẳng biết một phiên chợ bác làm được bao nhiều cái cho bõ bèn công dầm mưa dãi nắng?

Thêm một “cố nhân” của tôi ở cái chợ này là cô hàng nhuộm quần áo. Quả thật, tôi thấy thật bất ngờ khi hơn chục năm trời trở lại chợ vẫn gặp lại cô bên nồi thuốc nhuộm nghi ngút khói. Mùi thuốc nhuộm khê nồng làm thời gian không luân chuyển. E rằng ít khách, mất công tới chợ làm chi, tôi hỏi cô. Cô nói: “Ừ thì có ít, nhưng cũng chẳng đáng là bao. Chỉ có điều, ngày xưa nhiều khi phải đền vì áo sờn quá mình làm rách, còn bây giờ, chủ yếu là quần bò, tha hồ mạnh tay.” Cô cười. Tôi hỏi một chị khách đang đứng chờ lấy hàng, chị bẽn lẽn: Cái quần bò con gái nó không mặc, tôi duộm đen mặc thay cái xà cạp đi làm đồng ấy mà. Dulichgo

Chợ Nủa cũng là nơi tin cậy để mua sắm đồ nông cụ. Những chiếc dao, chiếc cuốc, cày bừa... được bán ở chợ Nủa như chắc chắn và bén hơn mua ở bất cứ nơi nào. Đồ gia dụng bằng tre đan cũng có thể coi là đặc sản của chợ Nủa, bởi ngay chính mảnh đất mà chợ Nủa bám rễ là làng nghề mây tre đan nổi tiếng của xứ Đoài. Tôi mua được chục quạt nan - những chiếc quạt đan bằng giang - những nan đan sáng bóng, nuột nà, mỏng như trong suốt, nhỏ nhắn và đều tăm tắm - chị bán hàng gọi nó với một cái tên mộc mạc mà cũng rất quý phái: quạt lụa.

Lại một lần nữa tôi nhắc đến cái hồn cốt của chợ, cái duyên của chợ. Có rất nhiều người đi chợ chẳng phải chỉ có thể đến chợ mới mua hay bán được thứ mình cần. Vài ba mớ rau hái được ở vườn nhà, ổ trứng con gà đẻ vừa tròn chục... chỉ cần mang ra ngõ đã có người hỏi mua, ấy vậy mà người ta cứ thích phải chờ đến chợ phiên mới đi bán. Hay chuyện những cô gái chuẩn bị về nhà chồng, lên đủ cả chợ tỉnh, cả phố nọ, phố kia để mua sắm, thì trước khi vu quy, cũng phải đi một phiên chợ Nủa, ít nhất thì cũng mua cái nón trắng để cắp về nhà chồng cho đủ lệ bộ. Ngày tôi mới về nhà chồng, mỗi lần mang đôi chiếu đậu song hỷ ra phơi, mẹ chồng tôi lại nhắc với vẻ rất tự hào: “Mẹ phải đi 3 phiên chợ mới chọn được đôi chiếu này. Ưng ý quá!”

Cô bạn đi chợ cùng bị kéo đi cùng với ký ức của tôi, mãi mới vào được hàng con giống. Phiên chợ này có đến mấy người là bán lợn thừa vú (lợn mới đẻ nhưng số con nhiều hơn số vú lợn mẹ, nhà chủ bán bớt đi cho cả đàn nhanh lớn, người mua là những nhà có lợn đẻ ít), nhưng lại chẳng có đôi lợn giống nào đẹp. Tìm kiếm chán chê cũng chẳng được đôi nào ưng ý, nhìn thấy đàn vịt con vàng ươm, cô bạn tôi nảy ý định mua chục con về để thằng con trai tranh thủ sau giờ học đi chăn cho bớt lêu lổng.

Trên đường về, tôi ghé lại mua mấy gói kẹo bột làm quà cho lũ trẻ. Mua xong ngoảnh lại thấy cô bạn một tay xác bu vịt con, một tay cầm cái niêu đất, đỏ mặt thẹn thùng: “Chồng tao hôm trước đi Hà Nội về, kể là vào quán ăn cơm niêu ngon quá, mua cái về nấu thử xem ngon đến cỡ nào!”

Theo Vân Tùng (Báo Pháp Luật), ảnh Vnexpress
Du lịch, GO!

Một ngày ở phiên chợ Nủa Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment