Nói đến làng Bích La, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội Chợ đình Bích La nổi tiếng được tổ chức vào ngày mồng 3 Tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi năm chợ họp một kỳ, Bích La trẩy hội nhớ ghi lấy lời.
Làng Bích La, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) là một miền quê có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời. Nếu có dịp ghé về Bích La ngày này, bạn sẽ có cảm nhận riêng về một lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc riêng của một miền quê. Ở đó, bạn được tham gia lễ cầu rùa, lễ cầu may và có thể bạn sẽ tìm lại tuổi thơ của mình bằng việc làm giản dị là mua một con gà đất… Dulichgo
Gần 5 thế kỷ dựng ấp lập làng, và dù lịch sử đã trải qua bao cuộc biến thiên, thậm chí ngay cả tên đất, tên làng cũng đã một đôi lần thay đổi, nhưng người Bích La xưa nay vẫn chỉ chọn con gà làm biểu tượng của làng.
Trong tâm thức của mỗi người dân Bích La, hình ảnh con gà cùng với tiếng gà gáy khắc khoải sang canh, tiếng gà gáy sáng, tiếng gà xao xác gọi đàn sau lũy tre làng đã trở thành mạch nguồn cuộc sống; được thời gian bền bĩ bồi đắp thành dấu ấn cội nguồn, dấu ấn tâm linh và làm nên bản sắc văn hoá của một vùng đất.
Lễ hội chợ đình Bích La không thể thiếu vắng du khách thập phương cũng như không thể thiếu vắng tượng gà đất. Từ 3-4h sáng, đình Bích La đã đông nghẹt người.
Dưới quầng sáng của ánh nến, của những ngọn đèn dầu, của màn sương bạc mưa xuân lất phất, của mùi hương trầm lan tỏa khắp nơi và hình như hàng trăm, hàng nghìn con gà đất giữa chợ đình đã đồng loạt cất tiếng gáy; dân làng và du khách, chủ và khách bỗng có lúc quên đi thực tại, quên mùa xuân vừa mới gõ cửa muôn nhà và trong khoảnh khắc đó, lần đầu tiên người ta chợt thấy mình đang trôi đi giữa những miền ký ức.
Đối với người Bích La, có lẽ đêm mồng 2 tết, đêm chuẩn bị cho Lễ hội chợ đình và hương sắc đêm ấy sẽ đi theo suốt cuộc đời.
Người Bích La làm lụng, chắt chiu cả năm và để dành lại những sản phẩm tốt nhất cho đêm hội này. Cả năm chỉ có một phiên chợ đêm. Dân làng mang đến chợ đình dù chỉ một mớ cá tươi, buồng cau vừa hái xuống, mấy tệp trầu xanh vôi trắng hay mấy nắm chè mới hái còn đẫm sương đêm, rồi gạo, dưa, cà, thịt, muối… tất cả đều làm ra từ đồng ruộng hương hỏa của tổ tiên để lại. Dulichgo
Người đi chợ khăn áo chỉnh tề, đi chợ cốt để bán may và mong cho khách mua rẻ, mua may. Đó là lễ cầu may mà chủ ý của người Bích La, chủ ý của người bán là muốn vừa lòng khách, giao đãi thân tình với khách, mong khách biết đến những sản vật của vùng đất Bích La và mong năm sau khách trở lại với chợ đình.
Chợ đình Bích La nguyên sơ từ khi xây dựng vào năm 1527 cho đến nay vẫn giữ nguyên kết cấu hình chữ nhất, xung quanh không có tường bao. Thiết kế theo dạng “đình mở” không rào dậu như thế, từ xa xưa người Bích La đã hướng đến một ngôi nhà chung; họ coi trọng sự cố kết cộng đồng, sức mạnh cộng đồng, và rõ ràng, chợ đình đã xoá đi ranh giới giữa các họ tộc.
Du khách thập phương về tham dự Lễ hội chợ đình cũng vì lẽ ấy. Khách có thể ghé chợ, thăm đình, có thể mua và làm quen thêm bầu bạn, thậm chí có thể thắp một nén nhang thổ lộ tấm chân tình của mình trước một ban thờ họ tộc nào đó để cầu an, cầu phúc. Người Bích La cùng khách hòa nhập với nhau trong đêm hội chợ đình bằng tình bằng hữu, nhưng dù không phân định ngôi khách chủ thì cá tính của người Bích La, đất Bích La vẫn không vì thế mà mai một.
Hàng nghìn đời nay, dù lịch sử thăng trầm dâu bể, chợ đình vẫn chính là nguồn cội và chưa bao giờ chợ đình Bích La khai cuộc vắng tiếng gà! Đây đó trong không gian chợ đình thoang thoảng mùi hương, tiếng gà quê to te vừa thực vừa ảo… và chủ, và khách chỉ cần nghe âm thanh ấy, tiếng to te đã có thể quay trở thời gian để mỗi người có thể sống lại với quá vãng thời gian và với tuổi thơ của chính mình.
Đêm chợ đình dường như thức trắng. Trước sân đình đã tái hiện lễ cầu rùa. Nếu như đêm chợ đình mang ý nghĩa cầu may và giao đãi giữa chủ với khách, thể hiện cuộc sống cộng đồng sung túc và tri ân, báo hiếu tổ tiên gia tộc thì lễ cầu rùa lại mang sắc thái tín ngưỡng thờ thần đậm nét của người Bích La xưa. Dulichgo
Cầu rùa, tức là cầu thần linh để mong mưa thuận gió hòa, mong mùa màng bội thu cho cuộc sống dân làng được no đủ, dư dật. Lễ cầu may, cầu rùa cùng với biểu tượng con gà, về bản chất là lối tư duy biện chứng nói chung của cộng đồng cư dân gắn liền với văn hoá lúa nước; đó còn là hàng nghìn năm vật lộn, chế ngự thiên nhiên để bảo tồn nòi giống và duy trì cuộc sống của người dân Bích La. Lễ hội chợ đình Bích La đã được thời gian và chính người Bích La lưu giữ từ đời này qua đời khác. Đó là cái đẹp mang cá tính riêng, bản sắc riêng của người Bích La trong văn hóa ứng xử. Hàng nghìn đời nay, chợ đình với lối kiến trúc mở đã làm nên cầu nối cho du khách thập phương đến với Bích La, và mỗi người Bích La cũng đã lớn lên, đã được nuôi dưỡng tâm hồn bằng không gian bao dung rộng mở dưới mái sân đình.
Theo Phan Thanh Bình (CAND)
Du lịch, GO!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment