(VNE) - Bánh cam, bánh tằm khoai mỳ, bánh bò, bánh da lợn, bánh tai yến... là những đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ khi tới mảnh đất này thăm thú.
Miền Tây Nam Bộ được xem là vùng đất trù phú với những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa và những cánh đồng lúa bát ngát. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều món ăn dân dã nổi tiếng, đặc biệt là các món bánh đặc sản làm nức lòng du khách.
Bánh cam
Món này có tên là bánh cam là vì có hình dáng tròn tròn và màu cam của vỏ bánh khi được chiên giòn trông khá giống trái cam. Bánh có vị ngọt thơm, được làm từ bột nếp và bột gạo, nên ăn không ngán. Để vỏ bánh ngon hơn, người ta còn trộm thêm ít khoai lang tán nhuyễn vào trong phần bột pha chế. Ở giữa bánh có nhân đậu xanh, được tán nhuyễn trộn với đường cát.
Bánh tằm khoai mỳ
Đây là một món bánh tráng miệng dân dã của người dân Nam bộ, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người từ nông thôn đến thành thị. Gọi là bánh tằm vì bánh có hình dáng thon dài và được phủ lớp vụn dừa giống con tằm. Dulichgo
Để làm món này người ta phải mài khoai mỳ nhuyễn rồi tạo dáng thành từng sợi. Bánh ăn hơi dai, có mùi dừa thơm và béo ngậy, thường dùng kèm với mè rang chín, đường trắng. Người ta còn bỏ thêm màu lá dứa, lá cẩm, gấc để tạo màu hấp dẫn cho món ăn.
Bánh bò
Đây là một món bánh ngọt quen thuộc ở miền Nam, đặc biệt là miền Tây. Cùng là bánh bò nhưng ở mỗi vùng lại có cách chế biến riêng và được gắn với những tên gọi khác nhau như bánh bò thốt lốt, bánh bò bông xốp, bánh bò trong…
Nguyên liệu để làm món này khá đơn giản, gồm bột gạo, đường, dừa và men. Bánh bò có vị ngọt vừa phải, mềm dai, thường ăn kèm với nước cốt dừa, muối mè, có nơi còn dùng chung với thịt heo quay.
Bánh da lợn
Điểm đặc trưng của chiếc bánh da lợn là phải có nhiều lớp chồng lên nhau, chia tầng rõ rệt. Lớp bột mỏng ngoài bóng, dẻo khiến người ta liên tưởng tới tấm da lợn rồi lấy đó làm tên gọi cho món ăn. Dulichgo
Nguyên liệu chế biến bánh gồm bột năng, bột nếp, đường, cốt dừa. Bánh có màu ngà vàng của đậu, màu xanh của lá dứa, đôi khi người làm còn thêm màu tím từ lá cẩm hay màu đỏ từ gấc cho chiếc bánh thêm phần rực rỡ.
Bánh pía
Bánh pía được chế biến với nhiều công đoạn khéo léo và cầu kỳ. Đầu tiên bột mỳ được cán mỏng để làm lớp vỏ bánh bên ngoài. Phần nhân là đậu xanh hoặc khoai môn hấp chín nghiền nhuyễn, xào với đường rồi trộn chung với chút sầu riêng tươi, lòng đỏ trứng muối.
Thưởng thức món bánh này, thực khách sẽ nhận thấy tổng hợp vị dẻo bùi của nhân bánh hòa với mùi sầu riêng thơm nức, vị ngọt của đường và vị mặn của lòng đỏ trứng.
Bánh tai yến
Bánh tai yến có hình dạng giống tổ chim yến. Công thức làm mó này khá đơn giản gồm bột gạo pha với một ít bột năng, nước cốt dừa, đường cát, hương liệu va ni cho thơm, tất cả quyện thành một hỗn hợp sền sệt.
Thành phẩm của món bánh này có hình chiếc nón úp ngược với phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng. Bánh tai yến vừa mỏng vừa giòn, có vị ngọt và béo ngậy tan chầm chậm trên đầu lưỡi. Dulichgo
Bánh ú nước tro
Bánh ú nước tro là ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Bánh có hình chóp nón, to bằng nắm tay người lớn. Bánh được gói bằng lá tre hoặc lá chuối, bên trong là bột nếp, với nhân đậu xanh ở giữa.
Điểm đặc biệt của món bánh này là dùng rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng, chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp qua một đêm. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nắng nóng.
Theo Lê Hà Ngọc Trâm (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Friday, April 3, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment