(GLO) - Chơi lan rừng từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã của một bộ phận người dân Phố núi Pleiku cũng như người dân ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Thế nhưng, đằng sau những nhành lan đủ sắc màu, ngào ngạt hương thơm khiến người người say đắm là những phận đời, những hiểm nguy, mồ hôi nước mắt và cả tiếng kêu cứu từ những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên.
Sôi động “chợ” lan rừng
Như lệ thường, khi mặt trời ló lên khỏi đỉnh núi, “chợ” lan rừng trên đường Hai Bà Trưng (TP. Pleiku) đã nhộn nhịp tiếng nói, tiếng cười của những người phụ nữ Jrai, Bahnar… đến từ một số buôn làng của tỉnh Kon Tum và Gia Lai để mưu sinh cùng những nhánh lan rừng. Sau khi tìm cho mình một vị trí phù hợp và quen thuộc, họ tất bật lôi trong chiếc gùi nặng trĩu trên lưng những nhành lan còn thấm đẫm những giọt sương đêm bày biện trên nền đất đợi khách đến mua.
8 giờ sáng, chợ bắt đầu đông khách. Những người đàn ông, phụ nữ, người già… ai cũng háo hức lựa chọn cho mình một nhánh lan ưng ý. Lan rừng được bày bán ở “chợ” có rất nhiều loại như: Bạch Hoàng Mai, Thủy Tiên tím, Xương Cá, Mỹ Nhung, Đuôi Cáo… Dulichgo
Thậm chí nhiều loại lan quý như Nghinh Xuân, Giã Hạc, Trầm mà theo nhận định của những người sành chơi lan là sắp tuyệt chủng cũng có mặt, nhưng với số lượng không nhiều. Lan ở đây bán theo kg hay theo cành với nhiều loại giá cả khác nhau. Ví dụ, Nghinh Xuân có giá 700-800.000 đồng/kg, Giã Hạc khoảng 300.000 đồng/kg, Trầm là 300-400.000 đồng/cành, Bạch Hoàng Mai, Đuôi Cáo, Mỹ Nhung có giá 30-60.000 đồng/ cành. Người đến “chợ” mua phong lan cũng rất phong phú, có người đã chơi lan từ rất lâu, có người chỉ mới bắt đầu chơi, có cả những người đến từ nơi khác cũng đến đây để mua lan.
Hành trình để những cành lan rừng này đến được “chợ” là cả một chặng đường dài và vất vả của những người hái và bán lan. Chị Y Nương đến từ xã Chư Hreng, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum), một người chuyên bán lan rừng ở đây chia sẻ: “Nghề chính của mình là làm mì, những ngày rảnh rỗi mình tranh thủ thời gian nông nhàn để xuống đây bán lan rừng kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Lan này là của người dân trong làng đi lấy, mình chỉ mua lại rồi mang xuống đây bán kiếm lời thôi chứ mình không trực tiếp đi lấy. Rời khỏi nhà từ sáng sớm, đến tối mịt mình mới về nhà. Ngày nào may mắn bán hết thì kiếm được dăm bảy chục đồng đến một trăm ngàn đồng để đong gạo, ngày không may thì kiếm một hai chục ngàn đồng, thậm chí có ngày chẳng có đồng nào”.
Ngoài những người mua lan bán lại kiếm lời như chị Y Nương, ở đây có nhiều người bán những cành lan do mình và gia đình tự hái và mang đi bán. Chị Rơ Mah Dat ở xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) cho biết, vợ chồng chị có 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng chỉ có 3 sào đất trồng cà phê. Thu nhập không đủ sống nên vợ chồng chị phải tranh thủ kiếm thêm bằng nghề hái lan rừng. Cứ vài ngày, vợ chồng chị lại cơm đùm cơm nắm vào rừng hái lan, một chuyến đi thường mất từ 3 đến 4 ngày. Trước đây, khi lan rừng còn nhiều, ít người hái mỗi chuyến đi vợ chồng chị hái được vài bao tải lan, bán được cả triệu đồng. Nhưng nay thì khác, chuyến nào may lắm vợ chồng chị chỉ hái được 1-2 bao. Để kiếm thêm thu nhập, sau khi phân loại, bó cành, chị tự bắt xe về TP. Pleiku để bán. Nếu bán hết, chị chỉ thu về 300-400.000 đồng. Đó là công lao của cả hai vợ chồng chị cho mỗi chuyến đi rừng từ 3 đến 4 ngày với nhiều vất vả và hiểm nguy.
Ở TP. Pleiku, ngoài điểm bán lan rừng ở đường Hai Bà Trưng, còn có những địa điểm khác cũng nhộn nhịp không kém như đường Trần Hưng Đạo, đường Tôn Đức Thắng, Lê Đại Hành… Tham gia vào “đội quân” này phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số và một ít là người Kinh nhưng với vai trò là đầu mối thu gom. Bà Phương-một đầu mối thu gom lan rừng ở đường Trần Hưng Đạo cho biết: “Tôi bán lan ở đây đã nhiều năm rồi, không như những cửa hàng khác bán đủ loại từ lan ngoại đến lan rừng, ở đây tôi chỉ chuyên bán lan rừng. Mỗi buổi sáng, những người đi hái lan ở các huyện Đức Cơ, Chư Prông (tỉnh Gia Lai) và các huyện Đăk Glei, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) tập trung về đây bán cho tôi, vì họ không có thời gian và kiên nhẫn để ngồi bán lẻ. Khách của tôi toàn những người sành chơi, họ thường đặt hàng các loại lan quý như Trầm, Nghinh Xuân... bởi ai cũng hiểu trong tương lai không xa những loại lan này sẽ không còn nữa. Nhu cầu nhiều như vậy, nhưng không phải lúc nào tôi cũng thu gom được những loại lan quý này. Ngày nào may lắm tôi mới mua được vài ký”.
“Nước mắt” lan rừng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tất cả các cánh rừng ở Gia Lai và Kon Tum đều có sự hiện diện của các loài lan. Trước đây, những người đi rừng vô tình bắt gặp những cành lan đẹp nên hái đem về chơi. Dần dần nhiều người bắt đầu biết đến và “ghiền” thú chơi lan rừng. Có cầu thì có cung, từ đây “nghề” hái lan rừng đã ra đời. Tuy nhiên, để có được những cành lan rừng cũng là một quá trình vất vả đầy mồ hôi và cả máu của người đi hái lan. Thông thường, một chuyến lên rừng hái lan thường có khoảng 7 đến 10 người cùng đi. Khi đi họ mang theo cơm nắm, muối ớt, củ mì, khoai, gạo và những vật dụng như dao, liềm… Một lần đi rừng khoảng 3-5 ngày, có khi đi đến 7 ngày. Trong suốt thời gian này, ban ngày thì họ tìm kiếm hái lan, đêm thì ngủ lại ngay trong rừng, đốt lửa để sưởi ấm và nấu ăn ngay tại rừng. Sáng sớm, họ lại tiếp tục lên đường vượt rừng núi để tìm lan.
Lan rừng thường mọc trên những cây gỗ mục và mọc trên cao, để hái được nó người đi rừng phải trèo thật cẩn thận, nếu không cây mục rất dễ gãy và sẽ gây ra tai nạn cho người hái. Anh Ksor Túi-một người hái lan ở phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) kể: “Cách đây khoảng 2 năm, trong một lần đi rừng, do mải với hái cành lan ở trên cao, chân mình đạp vào cành cây mục và bị ngã xuống đất từ độ cao gần 10 mét. Cũng may, mình ngã vào đám lá khô nên chỉ bị gãy tay và trầy xước khắp người. Sau lần đó, mình dự định sẽ bỏ nghề. Thế nhưng, cái bụng lũ con mình thì không thể đói, thế là mình lại tiếp tục vào rừng hái lan”. Dulichgo
Hiểm nguy là vậy, thế nhưng số tiền họ kiếm được chẳng đáng là bao. Trước đây khi thú chơi lan rừng chưa phổ biến, người hái lan rừng còn ít thì lan rất dễ kiếm. Chỉ cần đi vào rừng một đoạn là người ta đã tìm thấy lan.
Nhưng sau nhiều năm, khi lượng người chơi lan rừng ngày càng tăng, loài hoa này bị người hái săn lùng ráo riết theo kiểu tận thu, tận diệt. Do đó, người hái lan phải đi vào rừng sâu hơn, xa hơn mới có thể tìm thấy lan rừng, cùng theo đó thời gian mỗi lần đi hái lan lại dài hơn, vất vả hơn. Và khi bắt gặp được bất kỳ nhánh lan nào họ cũng hái bằng được, kể cả đánh cược tính mạng và chặt bỏ cây rừng để lấy nhánh lan từ trên cao. Cùng với đó, vô tình họ đã góp phần tàn phá và làm giảm đi diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp ở khu vực Tây Nguyên.
Không thể phủ nhận rằng lan là nguồn thu nhập của một bộ phận người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống. Mặt khác chơi lan còn là thú vui khiến người ta quên đi sự mệt mỏi sau một ngày làm việc. Thế nhưng, nếu người dân cứ khai thác theo kiểu tận diệt như hiện nay, thì chắc chắn trong một tương lai không xa, loại cây vốn được mệnh danh là “đệ nhất hoa” sẽ dần biến mất và những tán rừng cũng dần bị thu hẹp một cách vô tình hay hữu ý bởi sự thiếu ý thức của người hái lan.
Theo Quế Mai (Báo Gia Lai)
Du lịch, GO!
Thursday, April 23, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment