(CAND) - Mặc cho cái lạnh của đá núi cao nguyên thấm vào da thịt, đêm ở làng Lút bỗng chốc sôi động hẳn lên. Dân làng Lút lại nghiêng bên ché rượu cần để tiễn biệt những người đã khuất lần nữa được tái sinh ở thế giới bên kia. Đó là lễ Pơ Thi, nơi tổng thể các nghi lễ từ cúng tế đến hội hè mang đậm bản sắc văn hóa của người Jrai. Đây là lần cuối những người sống cúng mừng cho người chết về với thế giới Atâu.
Tháng Ba, cao nguyên gần vào cuối mùa khô, khi những bông pơ-lang bắt đầu đỏ rực, tiếng ve bắt đầu tấu lên khúc nhạc rôm rả, khi người Jrai ở làng Lút (xã Ia Phía, H. Chư Păh, Gia Lai) kết thúc vụ mùa thì cũng là lúc lễ Pơ thi được tiến hành. Thế nhưng, không phải năm nào làng cũng tổ chức được lễ Pơ Thi bởi phải chuẩn bị ít nhất vài con trâu để thịt, kém hơn là vài con bò và lễ có thể kéo dài từ 2, 3 ngày hoặc cả tuần...
< Dân làng cùng chung tay làm lễ Pơ thi bên những ngôi nhà mồ.
Phải đến 40 năm từ ngày cha mẹ mất, năm nay già Chel ở làng Lút mới có điều kiện tổ chức được lễ Pơ Thi để đưa linh hồn cha mẹ về thế giới tổ tiên. Lần này dòng họ cũng tổ chức lễ Pơ thi cho 11 linh hồn (Atâu) của 8 gia đình khác. Nhiều ngày trước, những ngôi nhà mồ của dòng họ già Chel ở phía Tây làng đã rộn rã tiếng đục, đẽo của các nghệ nhân làm tượng nhà mồ–thứ không thể thiếu trong lễ pơ thi. Dulichgo
“Đối với người Jrai, ngôi làng luôn ở phía Đông, phía Tây là nơi chôn cất người chết gọi là Plei Atâu– nghĩa là làng của những linh hồn. Sau lễ Pơ Thi, linh hồn sẽ về thế giới bên kia, nơi ông bà, tổ tiên đang sống”, già Chel lý giải.
< Những tiếng cồng chiêng vang lên không dứt suốt lễ Pơ thi.
Khi những nỗi tiếc thương dần nguôi ngoai, điều kiện vật chất đã đủ thì những người thân trong gia đình và dân làng cùng chung tay làm lễ Pơ thi để những Atâu về với thế giới tổ tiên. Pơ thi lần này của dòng họ già Chel đã được chuẩn bị từ lâu nay, giờ đây, con, cháu đều góp gạo, tiền, rượu. Tính sơ có...14 con bò, 4 con trâu sẽ được mổ thịt.
Đó là một tài sản không hề nhỏ nhưng với người Jrai coi như đây là một phần tài sản chia cho người đã khuất để những Atâu được ăn no, được uống ché rượu thơm của dân làng trước khi bắt đầu hành trình tìm về thế giới khác. Thế nên, Pơ thi như một nghi lễ đánh dấu sự khởi đầu của một vòng tái sinh và là cuộc vui của dòng họ, của dân làng.
< Người thân của các hồn ma khóc thương trước khi chính thức tiễn hồn ma về thế giới bên kia.
Khi mặt trời lặn sau núi, cái se lạnh của đêm cao nguyên dần buông xuống, dân làng Lút cùng những người làng khác trong xã lại quây quần bên nhau bắt đầu đêm chính của lễ Pơ thi. Rượu vơi lại đầy, thức ăn hết lại mang lên, cồng chiêng không bao giờ ngưng tiếng. Ngôi nhà mồ được dựng mới, sạch sẽ chuẩn bị cho buổi cúng. Màn đêm buông xuống, chủ nhà–người thân của người đã khuất bước vào nhà mồ. Bên rượu, thịt bày sẵn, chủ nhà lầm rầm khấn như lời cuối tiễn biệt Atâu cho một cuộc thiên di mới. Bên bàn cúng bày sẵn những vật dụng thường ngày chia cho người chết đều bị làm hỏng đi một phần với quan niệm thế giới của các Atâu hoàn toàn đảo ngược so với thế giới người sống: ngày là đêm, vỡ là lành, xấu là đẹp... Dulichgo
< Các “pram” diễn trò tạo không khí sôi nổi cho lễ hội.
Sau những lời khấn, những nghi lễ hoàn tất, bên ánh lửa bập bùng, dàn chiêng Atâu (chiêng chỉ dành cho lễ Pơ thi) cất lên vang vọng, đàn ông, đàn bà, già, trẻ đều đứng dậy quây tròn bên nhà mồ nhẹ nhàng uyển chuyển với nhịp xoang.
Các Bram–những thanh niên đeo mặt nạ, người bôi bùn tượng trưng cho các linh hồn đã khuất của ông cha cũng hòa vào các điệu múa bên nhà mồ để chứng kiến, dẫn dắt các Atâu về thế giới bên kia. Phần lễ kết thúc, tiếng chiêng lại chuyển nhịp vui tươi, sôi động, mọi người lại chung vui bên đống lửa, mềm môi bên những ché rượu cần. Với họ, ngày buồn vì người chết đã qua rồi, còn lại là những ngày vui không chỉ của gia chủ mà còn của cả làng, cả xã.
Theo MT (Công An Nhân Dân)
Du lịch, GO!
Wednesday, April 8, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment