Trong hành trình thăm Tràng An ở Ninh Bình, đền Nội Lâm (đền Trần) làm chủ yếu bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn chạm nổi là điểm dừng chân không thể bỏ qua.
Đền Trần nằm trong Khu du lịch sinh thái Tràng An, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Tương truyền đây là ngôi đền được các vị vua nhà Trần cho xây dựng phục vụ các hoạt động tín ngưỡng trong những năm tháng lui về hành cung Vũ Lâm, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Đền Trần còn có tên gọi là Đền Nội Lâm (Đền trong rừng).
Từ bến đò, du khách sẽ trải qua khoảng hơn một giờ ngồi thuyền đi qua các hang như hang Sáng, hang Tối, sau đó leo bộ lên hàng trăm bậc đá quanh co, rồi tiếp tục thả bộ xuống thung lũng núi trước khi đặt chân đến đền Nội Lâm. Nằm giữa một khe nhỏ của núi, phía trái của sân đền có mỏm đá cao khảng 250 m án ngữ ngay sát lối đi lên di tích. Dulichgo
Đây là ngôi đền thờ Quý Minh Đại Vương và Hoàng Phi quý nương là phu nhân của thần Quý Minh. Theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại đền Cả (Hoa Lư, Ninh Bình), Quý Minh được giao trấn ải sứ Sơn Nam, ông là một trong ba anh em đồng thời là ba vị tướng có công dẹp giặc dưới thời vua Hùng thứ 18, đã được phong thánh gồm Sơn Thánh Tản Vương và Cao Sơn Đại Vương.
Kiến trúc Đền Trần theo kiểu chữ nhị, gồm hai tòa liền nhau. Tòa ngoài (Tiền bái) gồm 3 gian, 2 dĩ. Mái tòa tiền bái cuốn vòm bằng bê tông, nhưng bên trong lại dùng các phiến đá xanh để lát trần. Chính giữa nóc của mái trang trí hình hổ phù, hai bên có rồng chầu.
Tòa tiền bái để trống, không có cánh cửa, có hai hàng cột đá. Hàng cột thứ nhất gồm 4 cột làm bằng đá xanh nguyên khối, kích thước 20x16 cm, cao 1,47m. Mặt ngoài của cột chạm lộng và chạm thông phong đề tài độc long, mây, sóng nước, cá chép hóa long, sư tử và hoa cách điệu, phía trên trang trí hình hai con nghê. Nét chạm khắc rất tinh xảo. Mặt hông của 4 cột đều trang trí hai đôi câu đối chạm khắc luôn vào thân cột.
Hàng cột thứ hai cũng làm bằng đá xanh nguyên khối. Hai cột ở ngoài cùng trang trí hình độc long chầu vào và đề tài hoa lá cách điệu. Hai cột ở giữa trang trí đôi câu đối. Nét chạm khắc bay bổng, tính thẩm mỹ cao. Đá xanh nguyên khối cũng là chất liệu làm nhang án thờ tại gian chính giữa tòa tiền bái và bàn thờ đá tại chính giữa tòa hậu cung.
Bên trên tòa hậu cung có hai long cung, bên trong long cung có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân của ngài là Minh Hoa Công Chúa. Trong cùng tòa hậu cung có hàng cột đá gồm 4 cột, đều có chân tảng bằng đá xanh, làm theo kiểu hình hộp vuông, thắt cổ bồng, trang trí đề tài hoa sen. Dulichgo
Bức tượng Quý Minh Đại Vương được tạc ở tư thế ngồi trên bệ, mắt nhìn thẳng, chân chữ ngũ, đầu đội mũ quan, tay phải cầm chùy, tay trái nắm chặt để trên đùi.
Tượng của Minh Hoa Công Chúa tạc ở tư thế ngồi, chân chữ ngũ, mặt hiền từ, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm quạt để ngang bụng, tay trái úp xuống đặt trên đầu gối. Phía bên phải của đền có một bệ thờ lộ thiên thờ Mẫu Thượng Thiên Thượng Ngàn.
Hàng năm, cứ đến ngày 18/3 âm lịch, lễ hội đền Nội Lâm tưởng nhớ Đức Thánh Quý Minh Đại Vương sẽ diễn ra tại Tràng An, Ninh Bình. Điều độc đáo của lễ hội này là diễn ra trên sông Sào Khê nằm bên đại lộ Tràng An với hành trình du thuyền trên các hang động Tràng An rồi kết thúc bằng việc leo núi, dâng hương tế lễ tại đền.
Lễ hội đền Nội Lâm năm nay thu hút hàng nghìn du khách tham gia. Khoảng 1.000 chiếc thuyền đã được bố trí để phục vụ du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp trữ tình của non nước Tràng An và dâng hương tưởng niệm tại đền.
Du lịch, GO! tổng hợp từ VNE, TTDL và nhiều nguồn khác.
Wednesday, April 1, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment