(TTO) - Tôi rời Mường Lay với dư âm thanh mát của món măng riềng lạ lẫm. Một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp rằng món ăn tối qua có phải từ những khóm dong riềng trổ cây non vào mùa măng?
Lần thứ hai trở lại Mường Lay (Điện Biên), vẫn không kịp chạy đua với mặt trời. Từ trên cao nhìn xuống, thị xã lấp loáng trong ánh đèn đêm, dòng sông Đà ánh lên màu bạc, trăng tròn đầy thấp thoáng ẩn hiện trong mây. Lái xe một vòng dọc ngang phố thị tìm chỗ ăn tối. Những căn nhà sàn Thái nằm im lìm hai bên bờ sông, phố chợ vắng hoe, mãi mới thấy tiếng xe máy chạy ngang vội vã, bóng người đi bộ trên đường lặng lẽ, hối hả.
Mường Lay trong ánh trăng rằm có gì như ma quái nhưng tôi không thấy sợ hãi, thay vào đó là một chút buồn tênh. Ký ức tôi trở về với những chuyến đi của quá khứ, với bạn đồng hành trên chiếc xe máy lấm lem bụi đường, với những “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” và cây cầu dây văng Hang Tôm giờ đây đang chìm trong biển nước của thủy điện Sơn La. Có gì như mất mát cưa cứa trong lòng.
Dulichgo
Dừng bên này cầu đúng ngay ngã ba đường để gọi với một người phụ nữ đang lúi húi đóng cửa. Bà chạy ra tận xe để chỉ cho chúng tôi mấy quán ăn đêm ở thị xã Mường Lay. Ngay cổng nhà nghỉ chúng tôi vừa vào đặt phòng có một quán nhỏ tên Linh Luân, nổi tiếng nhất vùng, đông khách nhất vùng.
Chúng tôi rời đi sau khi rối rít cảm ơn bà, chiếc xe chạy qua cây cầu mà giờ đây giống như cầu cạn, bởi dòng sông thiếu nước trơ khấc dưới ánh trăng rằm. Một câu hỏi thoáng hiện lên trong óc: vì sao dòng sông cạn nước rồi lập tức bị lãng quên bởi cơn đau thắt của cái dạ dày đến giờ đòi cơm.
Dulichgo
Quán chỉ có hai tốp khách đang ngồi ăn tối, nhóm của chúng tôi đến sau. Chủ quán hỏi chúng tôi có muốn ăn thử món măng riềng hay không. Nghe đến măng đã thấy thích rồi, đi núi thì phải ăn măng rừng cho đúng kiểu núi. Đợi một lát, bữa ăn đã được dọn lên. Đĩa măng rừng trông là lạ, không phải màu vàng ánh trăng thường thấy, cũng không phải thứ măng trúc xanh non có điểm chút màu nâu đập giập.
Thay vào đó là một màu xanh non tơ, nõn nà và mơn mởn. Mùi tỏi phi, hành phi thơm phức xộc vào mũi. Tôi quay sang hỏi bạn đồng hành, măng xào à, rồi gắp một cọng đưa vào miệng. Giòn giòn, thanh thanh, dai nhẹ như thể ngó sen, lại có vẻ hao hao dong riềng. Mát ruột quá, đưa cơm và hấp dẫn quá, tôi vừa ăn vừa quay qua hỏi chuyện mấy chị em người bán hàng đang tranh thủ ăn bữa cháo đêm.
Dulichgo
Cô chủ quán cười cười khẳng định câu hỏi của tôi: Tên của món ăn đúng là măng riềng. Đây là loại cây mọc trên núi được người dân tộc Thái ở Mường Lay đi hái về, tự bóc vỏ sạch sẽ và giao cho nhà hàng. Chế biến món ăn rất đơn giản, măng cắt khúc dài độ 5-7cm, chần qua nước sôi, phi hành tỏi thật thơm và cho măng vào xào, bắc ra rắc thêm chút hạt tiêu rừng. Lạ miệng, dân dã, thanh cảnh và lạ lùng hơn cả khi chủ quán bảo măng riềng là món ăn mới được “ra hàng”, trước Mường Lay không có món này cho khách ăn đâu.
Mấy người khách bàn bên cạnh hẳn đã lắng nghe cuộc trao đổi chuyện trò giữa tôi và chủ quán thấy vậy xen vào hỏi xem món măng riềng là món gì và họ có thể gọi ăn thử được không. Chủ quán bảo còn có một chút thôi, lúc nãy có mời khách ăn nhưng không thấy ham, giờ chắc chỉ đủ mỗi người một gắp.
Dulichgo
Tôi ăn mấy miếng măng riềng một lúc và không kìm được lại quay sang hỏi chủ quán thêm lần nữa, rằng đây là có phải là phần cây non của cây dong riềng không. Tôi biết người Tày ở Đông Bắc thường dùng củ riềng mọc hoang trên núi hoặc trồng trong vườn để kho cá. Vào thời gian tương ứng với mùa măng, phần cây non mọc lên từ những khóm riềng sẽ được bà con hái, tách lớp bẹ để lấy nõn làm món ăn tươi. Hơn thế, lúc ăn món măng riềng, tôi thấy có sợi tơ được kéo ra và vị thanh mát giống món củ dong riềng non thỉnh thoảng vẫn mua ăn trên Hà Nội phố.
Mấy cô gái giúp việc quán ăn bảo tôi chính họ cũng chưa từng nhìn thấy “cây măng riềng”. Thường khi người Thái ở đây đi rừng, họ sẽ hái và bóc vỏ cẩn thận trước khi giao cho nhà hàng, cũng không có nhiều nên không phải ai qua Mường Lay cũng có dịp thưởng thức. Họ hẹn tôi sáng mai sẽ xem có “măng riềng” không để mua cho tôi một ít mang về xuôi.
Dulichgo
Sớm hôm sau tôi quyết định dạo một vòng quanh chợ, vừa đi vừa hỏi những người bán rau cỏ về món măng riềng. Cũng có một số loại rau cỏ lạ khác với xuôi mà chính người bán cũng không biết gọi tên thế nào, nhưng “măng riềng” thì không có. Ở phía bờ sông có một tốp phụ nữ người Thái đi chợ, một chị bảo tôi măng riềng ở trên núi cao kia cô ạ, hôm nay tôi không đi hái măng riềng.
Dulichgo
Tôi rời Mường Lay với dư âm thanh mát của món măng riềng lạ lẫm. Một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp rằng món lạ Mường Lay tối qua có phải chính từ những khóm dong riềng trổ cây non vào mùa măng hay không.
Theo Thủy OCG (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Wednesday, May 13, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment