Monday, May 11, 2015

Trèo lên trên núi Thiên Thai...

“Trèo lên trên núi Thiên Thai, thấy chim Loan Phượng ăn xoài bể Đông”, câu Quan họ như mời gọi mọi người về với núi Thiên Thai (huyện Gia Bình) - vùng đất địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình, thấm đẫm những huyền thoại, những câu chuyện lịch sử từ ngàn năm.

Núi Thiên Thai nằm bên sông Đuống với ngọn cao nhất khoảng 150m. Theo từ điển Cồ Việt thì núi còn có tên gọi: núi Then, núi Đông Cứu, núi Đông Cao. Núi thuộc 3 xã: Đông Cứu, Lãng Ngâm, Giang Sơn (huyện Gia Bình), cách thành phố Bắc Ninh 20 km về phía nam. Xuôi theo Quốc lộ 38, đến cầu Hồ nhìn về hướng đông sẽ thấy một dải xanh nhấp nhô, uốn lượn ôm trọn lấy một vùng ruộng đồng, lúa ngô trù phú, ấy là núi Thiên Thai.

< Tàn tích bốt Pháp xây đỉnh núi Thiên Thai.

Dãy Thiên Thai được hợp bởi 9 ngọn núi liền nhau, giống một con rồng đang uốn lượn giữa trời và đất, bao phủ bởi tầng tầng, lớp lớp cây rừng quanh năm xanh mướt.
Dulichgo
Khí hậu nơi đây mát mẻ, người dân hiền lành, chất phác, lập ấp xây làng tựa lưng vào núi, sinh kế chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm trên dòng sông Đuống hiền hòa hay trồng trọt, chăn nuôi trên những thửa ruộng phù sa màu mỡ.

Thiên Thai còn ghi dấu trong lịch sử là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Bảo Tháp, tên nôm là “Gủ Pháp”, thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình.

< Núi Thiên Thai với cụm di tích đền thờ Lê Văn Thịnh trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. 

Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi “Minh kinh bác học”, Lê Văn Thịnh đỗ đầu, được trọng dụng, thăng đến chức cao nhất là Thái sư. Nhưng cũng vì tài đức hơn người mà ông bị bọn nịnh thần ghen ghét, đố kỵ, vu oan cho tội “hóa hổ giết vua” ở hồ Dâm Đàm, phải đi đầy.
Dulichgo
Tuy chịu cảnh đi đầy nhưng ông vẫn sống một cuộc đời có ích cho nước, cho dân. Đến khi tuổi già sức yếu, ông tìm về quê hương nhưng khi đến xã Đình Tổ (Thuận Thành) thì trút hơi thở cuối cùng. Ông được nhiều làng thờ phụng làm thành hoàng làng với lòng kính cẩn, biết ơn.

< Trên núi Thiên Thai nhìn về sông Đuống.

Ngày nay, tại thôn Bảo Tháp (xã Đông Cứu) vẫn còn ngôi đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh. Ngôi đền linh thiêng được xây dựng bên cạnh chùa Thiên Thư, trên mảnh đất vốn là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh. Đền bảo lưu nhiều tư liệu lịch sử quý giá trong đó nổi bật là pho tượng rồng đá, được đánh giá là độc nhất vô nhị trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Toàn thân tượng được tạc bằng khối đá nặng gần 3 tấn với hình dáng “nửa rồng, nửa rắn” trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”. Đây thực sự là một tuyệt tác nghệ thuật được tạo hình hết sức sinh động khiến người xem phải sửng sốt cảm nhận nỗi oan khiên của một trong những vị quan tài năng, lỗi lạc nhất triều đại phong kiến Việt Nam.

Để tưởng nhớ công ơn Thái sư Lê Văn Thịnh, từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 2 âm lịch hàng năm, khắp vùng sẽ diễn ra lễ hội “Thập đình”. Lễ hội gắn với nghi lễ nông nghiệp (lễ rước), lễ tế thần, thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với quan trạng, cầu cho dân làng khoẻ mạnh, mùa màng tươi tốt, con cháu trong làng học hành giỏi giang, đỗ đạt…

Lễ hội được diễn ra mỗi năm 1 lần nhưng cứ 3 năm làng sẽ mở hội lớn để 10 đình rước kiệu, bài vị của quan trạng lên đền Lê Văn Thịnh. Trong lễ hội có tổ chức các cuộc thi và các trò chơi dân gian như đánh cờ, kéo co, đánh vật, đu quay, hát đối… thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia.

Núi Thiên thai được nhắc nhiều trong các làn điệu dân ca quan họ, ca dao, văn học hiện đại.
- Trong dân ca quan họ:
"Trèo lên trên núi Thiên Thai, thấy chim Loan Phượng ăn Xoài biển đông".
Dulichgo
- Trong bài thơ Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm:
... Ai về bên kia sông Ðuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài...
- Trong thơ Tố Hữu:
... Chí ta như núi thiên thai ấy...

< Thôn làng dưới chân núi Thiên Thai.

Đỏ rực chiều hôm dậy cánh đồng Lòng ta như nước Hương Giang ấy Xanh những dòng sông những bóng thông...

Với tiềm năng lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ, cụm quần thể cảnh quan di tích Thiên Thai tại xã Đông Cứu (Gia Bình) đang được xây dựng trở thành khu du lịch Thiên Thai trên tổng diện tích gần 20 ha. Trong tương lai không xa, đây sẽ là một điểm nhấn du lịch độc đáo bên bờ nam sông Đuống, nơi du khách sẽ được đắm mình trong không gian yên bình của vùng núi non, cảm nhận sự đổi thay của vùng đất Gia Bình trong dòng chảy lắng đọng của lịch sử.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Báo Bắc Ninh, Wikipedia và nhiều nguồn ảnh khác

Trèo lên trên núi Thiên Thai... Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment