Cách trung tâm TP. Kon Tum 130 km, đèo Măng Rơi (xã Đắk Trâm, huyện Đắc Tô) là vùng đất cuối trời, giáp ranh với huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc” của loài cây sâm đắng và những bản làng của người Xê Đăng sở tại chập chùng trên những ngọn đồi.
< Trên đỉnh đèo Măng Rơi.
Chợ sâm trên đỉnh đèo
Lên đến đỉnh đèo cao 1310 mét, chiếc xe máy của chúng tôi phả ra toàn là khói đen và phải…dắt bộ. Theo đồng bào bản địa thì Măng Rơi có nghĩa là cổng trời. Chiều cao của nó không thua gì Cổng Trời (ở huyện Quản Bạ, Hà Giang). Tự dưng một cơn mưa rừng kéo đến khiến trời mù sương và giá lạnh. Thế nhưng ngay trên đỉnh đèo lại có phiên họp chợ bán sâm đắng.
< Chợ di động trên vùng cao, người dân trồng được gì bán cái nấy.
Dulichgo
Họ là người dân của xã Đắk Trâm dưới đỉnh đèo, ngày ngày vào rừng để chặt măng rừng, sâm đắng đem ra bờ suối rửa, bán cho khách qua đường. Khác với người Kinh dưới xuôi khi bán theo kí lô, người Xê Đăng ở đây bán sâm đắng theo từng mớ, từ vài nghìn đến vài chục nghìn mà không hề có bàn cân. Khách mua là người đi xe máy hay xe hơi qua đèo, tranh thủ dừng xe lại mua về nhà chế biến.
< Chị I Nhút và con trai.
Trong hơi lạnh căm căm, các em nhỏ chỉ mong manh một cái dù cũ kỹ và tấm bạt ni lông để quấn quanh thân. Hít hà trong mờ sương nơi vùng cao, em A Vui (8 tuổi, học sinh lớp hai, trường tiểu học Đắk Trăm) nói: “Tranh thủ ngày hè được nghỉ học, cả nhà em cùng vào rừng, lên rẫy để kiếm sản vật của rừng leo lên đỉnh ngồi bán thì mới đông người mua”. Nhà em ở dưới đỉnh đèo, ẩn hiện giữa rừng già xa xa. Khi khách hỏi mua củ sâm đắng, em vào rừng để tìm, cứ vài củ là được vài chục nghìn đồng.
Chị I Nhút (40 tuổi) là một người bán sâm rừng cho biết, đàn ông Xê Đăng có họ là A còn phụ nữ có họ là I. Mỗi ngày chị ngồi bán trên đỉnh đèo cũng kiếm được một – hai trăm nghìn đồng, đủ tiền xuống đèo mua gạo, muối và nhu yếu phẩm về cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Nam, một người dân tại địa phương cho biết, hiện người dân ở đây đã trồng được loài sâm này và tăng thêm thu nhập cho người dân bản địa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về sâm thì loài sâm rừng mọc tự nhiên vẫn có giá trị tốt hơn so với sâm nhà. Củ sâm rừng bám đầy bụi đất, loang lổ “vết thương” do mọc dưới cây cối um tùm và tác dụng hơn là loài sâm trồng trong nhà trắng phau. Ông Nam so sánh rất hình ảnh là sâm đắng trong rừng giống gã bụi đời còn sâm nhà thì như anh chàng công tử.
Đứng trên đỉnh đèo thì mây lãng đãng bay ngay dưới chân, phóng tầm mắt nhìn sang phía tây sẽ bao quát được toàn bộ vùng đất Đăk Tơ Kan và Đăk Rơ Ông, với những làng người Xê Đăng định cư và cánh đồng nối nhau san sát cho đến tận chân dốc Văn Loan. Nhìn về hướng bắc, từ Măng Rơi vào tới dãy Ngọc Linh hùng vĩ sẽ thấy cảnh tượng chẳng khác gì những bức tranh thủy mặc của hội họa bởi điệp trùng mây và núi ấp ôm nhau kéo dài cả hàng chục cây số.
Dulichgo
Guiness về sinh con
Trước khi lên đỉnh đèo, chúng tôi chú ý đến hình ảnh một người mẹ lam lũ đang mạ lúa bên cạnh đàn con nhỏ lít nhít. Dưới vành nón lá và bộ quần áo lao động tơi tả, người mẹ cho biết tên là I Diệu (SN 1969, người Xê Đăng). Chị là người bản địa dưới đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Mới có 45 tuổi nhưng có vẻ chị Diệu già đi trước tuổi khi đang giữ kỉ lục về số con tại xã Đắk Trăm (huyện Đắk Tô, Kon Tum). Con lớn của chị là A Vui (26 tuổi) đã lập gia đình cùng ba đứa con đầu.
< Nhà rông của người Xê Đăng.
Đứa nhỏ nhất là A Nhi (5 tuổi) thì mới học mẫu giáo, đang đứng trên bờ ruộng chơi với đám trẻ em trong làng. Mấy chị của A Nhi thì cùng mẹ xuống ruộng cấy cầy để phụ giúp gia đình. Các cháu chỉ mới 7 – 10 tuổi, học sinh của trường tiểu học trong xã, thân hình thì lấm lem bùn đất. Mấy đứa khác lớn hơn thì đang chơi trò chơi kéo xe gần đó.
Chị Diệu có cả thảy mười đứa con (năm trai, năm gái), đa phần là nghỉ học sớm để ở nhà phụ cha mẹ và ra đồng. Nhiều đứa trẻ con chị ra đời dày đặc khi mỗi năm một đứa. Với thế hệ đàn bà nhiều tuổi như chị thì kiểu đặt vòng tránh thai như ở dưới xuôi là xa xỉ vì người đồng bào quan niệm “trời sinh voi thì ắt sinh cỏ”.
< Em A Vui hái sâm rừng để bán.
Dulichgo
Nhà chị Diệu ở gần đó, thấp thoáng cùng bản làng người Xê Đăng như những sợi chỉ mờ đeo ở lưng chừng núi. Chồng chị là anh A Mừng thì không trồng lúa như vợ con mà lên rẫy làm thuê cho người khác để kiếm tiền phụ chị nuôi con. Chị Diệu nói phụ nữ ở đây lấy chồng từ rất sớm, có cô mới 16 tuổi đã đòi cưới “người trong mộng”. Tục mẫu hệ tuy không còn nhưng người đàn bà trong gia đình thì có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành lao động chính.
Một cán bộ xã Đắk Trăm cho biết, xã này hình thành từ năm 2005, có diện tích 5.277 ha tự nhiên với hơn 3.000 nhân khẩu. Chị Diệu có số con vào loại nhiều nhất xã này. Mấy năm gần đây, do hội phụ nữ xã và các cấp chính quyền vận động nên họ đã giảm bớt tình trạng lấy chồng dưới tuổi quy định và đẻ con dày theo kiểu mỗi năm mỗi đứa.
- Đèo Măng Rơi nằm án ngữ trên độc đạo dẫn vào Tu Mơ Rông trong dãy Ngok Linh, miền núi rừng heo hút cách thị trấn Kon Tum về hướng Bắc trên 150km đường rừng.
Có nhiều cách giải thích về tên gọi con đèo này, song nhiều cán bộ cách mạng lão thành từng hoạt động ở căn cứ Ngok Linh trong những năm kháng chiến thì cho rằng, do đường qua đèo dựng đứng như mái nhà rông, đồng bào Xêđăng trèo đèo đi hái măng rừng, cái gùi trên lưng cứ dốc ngược làm măng rơi vãi ra ngoài và tên gọi Măng Rơi có từ đó. Dù sao, đèo Măng Rơi cheo leo, hiểm trở đã làm cho Tu Mơ Rông tách biệt như một ốc đảo…
Theo An Hòa (Công an TP.HCM)
Du lịch, GO!
Friday, July 3, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment