Saturday, July 18, 2015

Giai thoại kỳ thú về chợ của Sài Gòn xưa

(iHay) - Người dân Nam bộ có câu vè: “Chợ không đàn bà là chợ Cầu Ông Lãnh”. Tréo ngoe là ngôi chợ này mang tên người đàn ông nhưng người họp chợ lại đa số là đàn bà.

Chợ mang tên đàn ông

< Chợ Ông Lãnh (ảnh xưa).

Chợ Cầu Ông Lãnh vốn nằm trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM, được xây cất năm 1929. Chợ chuyên bán những loại trái cây tươi như cam, bưởi, quýt, dừa, dưa hấu, ổi, xoài và các thứ rau sống. Hàng được các ghe thuyền từ lục tỉnh chở lên đổ cho các chủ vựa ở chợ.

Chủ vựa bán sỉ hàng lại cho dân buôn bán ở các chợ nhỏ trong phố về bán lại. Chợ họp suốt ngày đêm nhưng từ nửa đêm tới sáng là đông và nhộn nhịp nhất. Cạnh chợ Cầu Ông Lãnh còn có một ngôi chợ nhỏ gọi là chợ Cầu Muối, chuyên bán cá tươi, tôm, cua… cũng do các ghe chài mang lên. Tuy nhiên, người ta vẫn hay gọi chung khu này là chợ Cầu Ông Lãnh, vì hai ngôi chợ sát nhau, cùng gần một nơi có cây cầu mang tên Ông Lãnh.

< Bến cá chợ Cầu Ông Lãnh (ảnh xưa).
Dulichgo
Lý do có cái tên này vì nơi đây có con rạch (nói là rạch chứ khi trước ghe thuyền đi lại ra cửa sông lớn rất rộng). Từ cuối đường Nguyễn Thái Học khi muốn qua bến Vân Đồn, khu Khánh Hội, Q.4, người ta phải dùng ghe mới sang được. Lúc đó có một ông Lãnh hảo ý đã bỏ tiền ra làm một cây cầu gỗ để dân chúng đi lại cho thuận tiện. Sau này, đến năm 1929, người Pháp cho xây dựng lại cây cầu bằng xi măng dài 120 m, do một hãng làm cầu của Pháp thiết kế. Đến nay, cây cầu đã gần một thế kỷ nên bị hư hỏng và đã được xây dựng lại.

Nhiều người thắc mắc: Ông lãnh ở đây là ông lãnh binh hay lãnh sự? Vì ở gần rạch này phía Chợ Lớn cũng có dinh của một viên lãnh sự VN là ông Nguyễn Thành Ý ở. Phải chăng cây cầu được dựng lên do một nhân vật tên tuổi tại địa phương nên người ta gọi là Cầu Ông Lãnh? Hay ông lãnh sự Thành Ý lúc đó cũng có hảo tâm đã góp tiền dựng nên cầu này cho dân chúng đi?

Cuối cùng, giả thuyết thứ hai nói tiền xây dựng cây cầu này là do một lãnh binh bỏ tiền ra nên người địa phương nhớ công ơn đặt cho tên cầu là cầu “Ông Lãnh” là thuyết phục hơn cả. Nhưng tên thật của “Cầu Ông Lãnh” này là gì thì không có sách báo nào từ xưa tới nay ghi lại. Người viết bài này phải tìm tới đình Nhơn Hòa, Q.1 thăm hỏi thì vị trụ trì cao niên ở đây cho biết:
Dulichgo
“Đình Nhơn Hòa đã được xây dựng hơn 150 năm, vào khoảng thế kỷ 19 và đã được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Đình được xây dựng theo lối kiến trúc xưa, có chính diện, võ ca, nhà túc mang sắc thái của một ngôi đình làng cổ đang thờ ba vị thần: Thành hoàng bổn cảnh (thần làng), thần Trần Triều hiển thánh, tức Linh vị đức Trần Hưng Đạo và thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (một vị tướng của triều Nguyễn, trấn giữ đồn Thủ Thiêm - Cây Mai, chống lại quân Pháp khi chúng tấn công thành Gia Định)... Năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký có viết: “Chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh gần đó cho bắc qua, chắc là ông lãnh Binh Thăng này chứ không phải ai khác”.

Vậy, ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng có lẽ chính là nhân vật đã được người dân đặt tên cho cây cầu cùng ngôi chợ cũ nổi tiếng và được thờ trang trọng ở đình Nhơn Hòa để ghi ơn. Hiện nay tên ông Lãnh Binh Thăng còn được đặt cho một con đường ở Q.11, TP.HCM.

Ngôi chợ trời đầu tiên tại Sài Gòn
Dulichgo
Người Việt ta vốn dễ dãi khi đặt tên, từ tên nhân vật thành tên địa phương như một ngã ba ở khu Chí Hòa, có một ông tên là Tạ. Ông này làm nghề bốc thuốc, hiệu thuốc của ông đặt ở ngã ba nên mấy chục năm qua, tên ngã ba Ông Tạ được nhiều người biết đến dù trong giấy tờ hành chính không ghi. Địa danh Gò Vấp cũng vậy. Từ gần một thế kỷ qua, ở khu vực này có một cái gò nhiều cây vắp lớn, một loại danh mộc nên người địa phương kêu là Gò Vắp, đọc trại lâu ngày trở thành Gò Vấp. Cứ như thế, nhiều địa danh Sài Gòn xưa được dân gian hóa, như tên các ngôi chợ trời dưới đây.

Nếu miền Bắc có chợ trời đầu tiên ở núi Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây, thì miền Nam cũng có chợ đầu tiên ở đất Bến Nghé. Ngôi chợ này người dân quen gọi là chợ Chồm hổm hay chợ Lộ thiên, nằm trên một bãi đất trống gần dinh thành Ô-ma của Pháp. Ngày xưa chợ này họp vào buổi sáng, người cắp bửng, thúng, rau, thịt, hoa quả tới bán và không dựng quán, tủ, sập. Người mua kẻ bán cũng chỉ là những người dân địa phương và có tên gọi rất lạ: chợ “Cây da thằng mọi”. Trong tập Cổ Gia Định vịnh có ghi rõ: “Cây da thằng mọi, coi bán đủ thuốc xiêm cau mứt. Cái cầu Cao Miên thấy làm nguyên cột vắp ván chai”.

Xin đừng vội suy đoán nơi đây có người mọi làm nên ngôi chợ hay một người mọi coi chợ. Mọi là danh từ người Tây phương gọi những dân tộc ít người ở miền núi. Nguyên do là chỗ chợ có một cây đa to lớn, tán lá sum suê, và ở chợ này có bán một thứ đồ dùng trong nhà mà ở chợ khác không có là một loại đèn thắp bằng dầu đậu phộng hoặc dầu dừa, làm bằng đất nung. Kiểu đèn nắn hình một người hai chân quỳ và hai tay chắp lại, trên đỉnh đầu thì đội thếp dầu (lúc đó người ta cứ gọi chung là người mọi).

Ngôi chợ trời đầu tiên “Cây da thằng mọi” sau này được xây dựng lại và có tên mới, rất ý nghĩa là chợ Thái Bình (nằm góc Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM).

Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!

Giai thoại kỳ thú về chợ của Sài Gòn xưa Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment