Thursday, July 9, 2015

Khám phá hệ thực vật trên núi Kim Phụng

(KPH) - Người ta chỉ biết đến núi Kim Phụng là một biểu tượng được khắc trên Chương đỉnh đặt trong Đại Nội, là nơi an táng Chánh cung hoàng hậu họ Phạm của Hoàng đế Quang Trung và là nơi Thành ủy Huế trú đóng, làm trạm tiền tiêu của Bộ trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Tuy nhiên, làm nên vị thế đó, bản thân ngọn núi này cũng đã sở hữu những vẻ đẹp riêng.

Núi Kim Phụng còn có tên gọi khác là núi Thương hoặc Thiên Dữu, dân gian gọi là hòn Đốn hay hòn Đụn, thuộc địa phận làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Đây là một danh thắng xứ Huế nhưng từ trước tới nay, núi Kim Phụng vẫn chưa thực sự được quan tâm nhiều. Một phần, với chiều cao 427 mét và được mệnh danh là ngọn núi cao nhất Huế, không phải ai cũng đủ quyết tâm để leo lên ngọn núi Kim Phụng.

< Con đường dốc và khúc khuỷu khi lên núi.

Chính những người dân sống xung quanh đây chia sẻ: “Chúng tôi ở đây mà cũng chưa bao giờ leo lên đến đỉnh núi, lối đi rất khó tìm nên dễ lạc lắm”.

Nhà nghiên cứu Hà Xuân Dương trong cuốn Kiến trúc chùa Thiên Mụ cũng có viết về Kim Phụng: “Dãy núi này rất cao, ở về phía tây nam. Nó cùng chạy với Trường Sơn hùng vĩ, nhưng vào đến sơn phận của huyện Phong Điền thì một ngọn đồi tách khỏi dãy Trường Sơn để chạy xuyên theo hướng đông nam vào đến tận sơn phận của làng Cổ Bi…”

Có nhiều đường để dẫn lên núi Kim Phụng, nhưng đường ngắn nhất là từ cầu Tuần chạy về khoảng 4 – 5km, sau đó rẽ vào khu khai thác đá Khe Phèn của công ty TNHH COXANO Hương Thọ, chạy xe thêm 1km nữa thì gửi xe lại và bạn có một hành trình khám phá núi Kim Phụng trên con đường khá gian nan.
Dulichgo
Con đường vào núi Kim Phụng khá hiểm trở và heo hút, thảm thực vật ở đây vì vậy còn hoang sơ và mang một vẻ đẹp cuốn hút bởi một màu xanh tít tắp.

< Cây chóc máu (Salacia chinensis).

Ở đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có một loài cây quý hiếm, đó là cây chóc máu. Cây chóc máu có tên khoa học là Salacia chinensis có giá trị về mặt y học.

Đây là loại dây leo cao 1 - 2 m, cành nhỏ có cạnh, mặt dưới lá màu lục nâu; quả mọng, hình quả lê, chóp quả màu đỏ. Được xem là loài biệt dược có khả năng hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Vì vậy, chóc máu đang được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu.

< Cây nắp ấm mọc rất nhiều ở núi Kim Phụng.

Môi trường ẩm ướt nơi đây tạo điều kiện cho không chỉ cây thân gỗ phát triển mà hệ thống cây bụi, những loài cây săn mồi cũng hết sức phong phú.

Đó là những cây nắp ấm vốn được nhiều người chơi cây cảnh hiện nay ưa chuộng được mọc rải rác bên các khe suối, lẩn quất trong những bụi cây sim, cây mua ngay bên chân du khách khi tới đây tham quan.

< Nét đẹp của cây bắt ruồi muỗng chính là vũ khí nguy hiểm đối với côn trùng.
Dulichgo
Đó còn là cây bắt ruồi muỗng, một loài cây độc đáo mọc sát dưới đất nhưng có màu sắc rất nổi bật để thu hút côn trùng. Thoạt nhìn, loài cây này rất ấn tượng bởi những chiếc lá tua tủa những sợi lông màu đỏ tươi. Đầu mỗi sợ lông là một “giọt sương” long lanh, trong suốt. Những “giọt sương” ấy thực chất là dung dịch có tính kết dính, những con côn trùng nhỏ xấu số rơi vào sẽ bị dính chặt, càng vùng vẫy càng không thể thoát ra được. Sau khi kiệt sức và chết, nó sẽ bị tiêu hóa bởi dung dịch keo và trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi sống cây… Phải thật chăm chú thì bạn mới không bỏ qua loài cây đặc biệt này vì nó rất nhỏ.

Đó còn là vô số những loài cây, những chú chim, tắc kè, bươm bướm… quen và lạ, với đủ sắc màu làm nên một bức tranh Kim Phụng có chút bí hiểm nhưng vô cùng đẹp mắt.

Một ngày cuối tuần kỳ thú, đó là những gì ngọn núi Kim Phụng có thể đem lại cho bạn, nhưng đừng quên những người bạn đồng hành cho ngày cuối tuần trọn vẹn hơn, bạn nhé!

Theo Xuyến Chi (Khám Phá Huế)
Du lịch, GO!

Dạo núi Kim Phụng - Huế

Khám phá hệ thực vật trên núi Kim Phụng Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét:

Post a Comment