(TPO) - Đi trên vùng đất huyện Tịnh Biên (An Giang), thỉnh thoảng thấy bên đường những ngôi nhà vài chục mét vuông, nép bóng chùa hay dưới bóng cây. Đó là nhà nghỉ cho khách đi đường, do cộng đồng bà con dân tộc Khmer dựng nên và tu tạo, tiếng Khmer gọi là Thala.
< Thala có mái giống chùa Khmer.
Gọi Thala cũng đã Việt hóa, còn đọc chính xác theo tiếng Khmer là Schla, có nghĩa nhà nghỉ, nhà lồng, lều trại. Bà con Khmer ở theo phum, sóc, sống chủ yếu làm nương, làm ruộng. Từ xa xưa, bà con Khmer đã làm những Thala để nghỉ giữa độ đường, nay tính riêng vùng Tịnh Biên đã có hàng trăm cái
Trước đây, Thala được làm bằng cây lá, dựng sàn để tránh thú dữ, sau này khi kinh tế phát triển thì được xây tường, lợp ngói hoặc tôn, đôi nơi đổ mái bê tông. Tùy theo điều kiện của người dân mà Thala có thể giản dị là căn nhà bình thường bốn mái, cũng có khi mang hình dáng ngôi chùa Khmer rất đẹp. Bên trong đều có bệ xi măng để ngồi, hoặc có thể ngả lưng.
< Dừng chân trong một ngôi Thala ven đường.
Thala không có vách ngăn nên lộng gió bốn phương. Đặc biệt, trước đây Thala thường đặt chiếc lu đựng nước sạch cùng chiếc ca cho người qua đường đỡ cơn khát những lúc nắng nôi. Thỉnh thoảng Thala còn có chiếc rổ đựng vài loại nông sản ở địa phương vừa thu hoạch như bó mía, trái ổi, củ khoai lang, khoai mì đã luộc chín, khách qua đường muốn lót dạ hay thưởng thức hương vị xin mời tự nhiên.
Dulichgo
Tên gọi cụ thể của từng Thala thường được ghép với những đặc điểm liên quan của Thala hay cảnh vật xung quanh. Chẳng hạn Thala păng-xây (Thala lợp tôn), Thala chơn phnum (Thala gần chân núi), Thala tà Chia (Thala của ông Chia).
Người dân làm đồng, giữa trưa nắng có thể vào Thala ngồi nghỉ, hoặc cuối chiều tụ tập hưởng gió mát thanh bình. Đôi khi, người có chuyện buồn trong lòng cũng tìm đến Thala để thư giãn, tĩnh tâm. Và hiển nhiên, Thala còn là nơi trai gái ngắm nhìn nhau, đôi lứa hò hẹn nên duyên vợ chồng.
Theo Ngọc Duyên (Tiền Phong)
Du lịch, GO!
Monday, August 24, 2015
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment